Với hơn 90 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam được “xếp hạng” nhiều tiềm năng, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, với sức mua nhiều, dân số đô thị tăng nhanh, Việt Nam sẽ là điểm nóng của doanh thu bán lẻ khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Cả nước có khoảng 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, nhưng các thương hiệu bán lẻ trong nước đã lần lượt thoái lui. Các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines nhanh chóng đầu tư vào lĩnh vực này và các doanh nghiệp lớn của Thái Lan đã chọn việc mua lại hệ thống siêu thị nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Vì sao các doanh nghiệp trong nước mất dần thị trường bán lẻ ngay trên “sân nhà”? Câu trả lời cũng tương tự như nhiều ngành nghề kinh doanh khác, đa số do nguyên nhân chủ quan gây ra.
Do doanh nghiệp trong nước luôn trong trình trạng thiếu vốn, hầu như đều lệ thuộc vào ngân hàng. Khi đã phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, thì rất khó chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời còn góp phần làm “đội giá” hàng hóa, sản phẩm.
Do năng lực quản trị doanh nghiệp không cao, cùng với việc chưa có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành bán lẻ, hệ thống phân phối theo chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực mạnh ai người ấy làm, chưa biết cách cùng nhau liên kết để cạnh tranh lành mạnh với doanh nghiệp ngoại.
Hệ thống siêu thị, mạng lưới bán lẻ ở không ít đô thị lớn chưa được quy hoạch bài bản, khoa học, nhiều khi chỉ mang tính tự phát, phong trào. Bằng chứng là khi thị trường bán lẻ sôi động, thì đua nhau mở siêu thị, trung tâm thương mại ở những nơi khó có cơ hội phát triển dài hạn, đến khi kinh doanh không có lợi nhuận thì đồng loạt thoái lui, hoặc nhượng lại cho doanh nghiệp ngoại.
Nhiều trung tâm thương mại bán lẻ Big C có nguy cơ rơi vào tay người Thái
Doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, mà còn trầm trọng hơn, trong lĩnh vực xuất khẩu. Đó không còn là nguy cơ, mà đã hiện hữu.
Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể (chúng tôi xin mở ngoặc là xuất khẩu tại Việt Nam, chứ không phải xuất khẩu hoàn toàn của Việt Nam). Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu tại Việt Nam đạt khoảng 150 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm trên 101 tỷ USD (khoảng 67%). Cũng trong năm này, xuất siêu của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 17 tỷ USD, trong khi đó, nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước lên đến 15 tỷ USD. Năm 2015, trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 70,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 9,3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Nếu không tính dầu thô, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 113,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Trong khi đó, doanh nghiệp nội ngày càng tỏ ra “yếu thế” trên sân nhà. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nội năm 2015 chỉ đạt khoảng 47,3 tỷ USD (bằng 41% của doanh nghiệp FDI), giảm 3,5% so với năm trước, làm giảm 1,2 điểm phần trăm của mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2015. Về nhập khẩu, trong tổng kim ngạch 165,6 tỷ USD thì doanh nghiệp FDI chiếm 98 tỷ USD, doanh nghiệp nội chiếm 67,6 tỷ USD, như vậy, doanh nghiệp nội nhập siêu 20,3 tỷ USD, còn doanh nghiệp FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD. Đáng chú ý là nhập khẩu một số mặt hàng không khuyến khích lại tăng mạnh làm “chảy máu” ngoại tệ, điển hình như nhập khẩu 125 ngàn chiếc ô tô trị giá hơn 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp nội cũng “yếu thế” về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo kim ngạch xuất khẩu cao. Đóng góp chính vào mức tăng chung chủ yếu là nhóm hàng của khu vực FDI với tỷ trọng cao như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,7% điện tử máy tính và linh kiện chiếm 98,2%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,5%, giày dép chiếm 79,7%, hàng dệt may chiếm 60,4%.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng đến nay, nền nông nghiệp nước ta vẫn còn manh mún, lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Vì vậy, các doanh nghiệp khó lật được thế cờ khi hàng hóa của các nước tiên tiến trong TPP và FTA tràn vào. Không có nhiều ưu thế trong chăn nuôi công nghiệp, không được hỗ trợ cải thiện con giống, kỹ thuật..., các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam chấp nhận đối mặt với cái chết được báo trước. Thực trạng hiện tại báo hiệu một tương lai khá u ám cho ngành chăn nuôi. Theo giới chuyên môn, một khi Việt Nam gỡ bỏ thuế quan theo lộ trình hội nhập, sản phẩm chăn nuôi các nước sẽ ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ hơn. Khi đó, nếu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát tốt, người tiêu dùng sẽ có cơ hội sử dụng sản phẩm chất lượng, giá rẻ nhưng ngược lại, ngành chăn nuôi trong nước sẽ... chết. Việt Nam không có ưu thế do phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, giá thành cao, không có công nghệ chế biến và không có đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò quy mô lớn. Hiện tại, bò, gà ngoại nhập vào Việt Nam phải chịu thuế nhưng sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh lại về giá, sắp tới, các hiệp định FTA và TPP có hiệu lực thì ngành chăn nuôi, trồng trọt Việt Nam chắc chắn thua. Hiện tại đã thua, chẳng hạn như thịt bò Úc, đùi gà Mỹ…
“Mở cửa” đem lại nhiều ưu thế, nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức, phải chấp nhận cạnh tranh. Muốn tồn tại và phát triển thì phải cạnh tranh được. Đó là quy luật.
Xuân Lê