Hiệp định CPTPP bao gồm 30 chương không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, đầu tư… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như môi trường, thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, mua sắm của Chính phủ, DN nhà nước…
Bên cạnh đó, Hiệp định này còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Cùng với Việt Nam, 6 quốc gia còn lại đã phê chuẩn hiệp định bao gồm: Australia, Nhật Bản, Mexico, Singapore, Newzealand, Canada. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu có mặt ủng hộ.
Tại Việt Nam, CPTPP sẽ tác động rất lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu (XK) của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng XK nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Nhiều cơ hội…
Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng XK cũng như thay đổi cơ cấu thị trường XK theo hướng cân bằng hơn. Chắc chắn, CPTPP sẽ đem lại nhiều triển vọng khi dòng thuế suất bằng 0%, giúp ngành Dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, Newzeland, Australia…
Cũng như Dệt may, CPTPP là cơ hội để các DN XK da giày tăng tỉ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các nước Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada… Riêng Nhật Bản, một trong những thị trường chủ lực của ngành XK da giày, túi xách Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 20-35%/năm, nếu DN biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại. Hay Canada, áp thuế nhập khẩu 0% cho cả giày da và túi xách ngay lập tức mà không cần lộ trình cũng là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường này.
…Nhưng cũng lắm thách thức
CPTPP được dự báo sẽ mang đến cơ hội XK cho rất nhiều mặt hàng có lợi thế cho Việt Nam, trong đó phải kể đến các loại rau quả, nông sản, thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, một số ngành kinh tế như dược, mía đường và thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt với các nước trong khối CPTPP. Theo TS Trần Huy Khanh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, thịt gà, thịt lợn sẽ giảm từ 5% xuống 0%. Đặc biệt là cạnh tranh với các sản phẩm từ Australia do đây là nước có chi phí sản xuất thấp và năng suất lớn.
“Hiệp định này so với nội dung Hiệp định TPP trước thay đổi rất ít, tức là mở cửa tối đa cho các DN, sản phẩm, hàng hóa của các nước thành viên vào thị trường lẫn nhau. Thực sự, sức ép về chăn nuôi và các sản phẩm như thịt, trứng, sữa ở các nước đã tạo áp lực lớn đối với Việt Nam, vì nước ta chủ yếu là chăn nuôi theo kiểu nông hộ với quy mô nhỏ, trong khi các tập đoàn lớn như TH hoặc một số tập đoàn khác thì ở Việt Nam có rất ít. Bên cạnh đó còn là sức ép về chất lượng, giá thành và việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất công nghiệp cũng có sự khác biệt” – TS Khanh nhận định.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) cho rằng, đối với CPTPP làm thế nào để chúng ta có thể tận dụng được các cơ hội về thuế quan mới là vấn đề đặt ra. Bởi trên thực tế, quá trình thực thi cam kết từ các hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam ký kết nhiều năm qua, chúng ta mới tận dụng được khoảng 30% ưu đãi về thuế, trong khi CPTPP là một hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, đòi hỏi DN phải có sự am hiểu sâu hơn, kĩ hơn rất nhiều mới có thể tận dụng được các ưu đãi này.
DN Việt cần làm gì để tận dụng cơ hội?
Mặc dù đưa ra những cảnh báo thách thức khi CTCPP có hiệu lực đối với VN, song các chuyên gia kinh tế đều cho rằng tham gia CPTPP Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng lợi nhiều. Vậy DN Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội?
Theo Bộ Công Thương, các DN Việt Nam cần lưu ý một số giải pháp như sau:
Trước hết, các DN của chúng ta cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng XK trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Trường An