Theo báo cáo được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trình lên Tổng thống Trump mới đây, Mỹ cần áp mức thuế đối với tất cả sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, cao hơn mức thuế áp vào các mặt hàng nhập khẩu từ những quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Trong đó, Bộ trưởng Ross đề xuất 3 phương án lựa chọn, trong đó phương án một là áp mức thuế 24% đối với tất cả sản phẩm thép và 7,7% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ.
Phương án hai là áp mức thuế 53% đối với thép nhập khẩu từ 12 nước gồm: Brazil, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Costa Rica, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam. Về sản phẩm nhôm, thuế nhập khẩu là 23,6% đối với các đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nga, Venezuela và Việt Nam.
Phương án thứ ba là áp hạn ngạch đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ khắp mọi nơi vào Mỹ.
Những biện pháp mà Bộ Thương mại đề xuất đồng nghĩa Mỹ sẽ tăng lượng sản xuất nhôm, thép lên tới 80%. Hiện công suất sản xuất thép và nhôm của Mỹ lần lượt đạt 73% và 48%.
Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định về đề xuất trên, hạn chót là đến ngày 11/4 đối với mức thuế nhập khẩu thép và ngày 19/4 đối với sản phẩm nhôm.
Liên quan đến báo cáo trên, một số nghị sĩ và người tiêu dùng Mỹ cho rằng nên cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất tăng thuế để tránh làm gián đoạn nguồn cung hoặc gây tăng giá đối với các vật liệu được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất ô tô, vật dụng gia đình, chế tạo máy bay đến xây dựng.
Bộ Thương mại Trung Quốc lập tức phản ứng bằng cách cho rằng báo cáo trên không hề có cơ sở và Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình nếu quyết định cuối cùng của Mỹ gây ảnh hưởng đến nước này.
Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ khuyến cáo Tổng thống Donald Trump sẽ thông qua những biện pháp mạnh mẽ để hạn chế nhập khẩu nhôm, thép, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc quan điểm của Mỹ là "vô căn cứ".
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries cũng đã lên tiếng phản đối đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ nâng mức thuế đánh vào các sản phẩm thép nhập khẩu.
Trước đó, vào hồi tháng 4/2017, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã mở cuộc điều tra nhằm xác định liệu việc nhập khẩu nhôm ồ ạt có đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ hay không. Cuộc điều tra này tương tự cuộc điều tra về việc nhập khẩu thép được thông báo trước đó.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu đề xuất trên được thông qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ có thể chịu các tác động tiêu cực, mặc dù mức độ tác động là không quá lớn.
Theo thống kê mà Bộ Thương mại Mỹ dẫn ra trong báo cáo, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Việt Nam đứng thứ ba sau Canada và Mexico về sản lượng nhôm thuộc hạng mục thanh, que và hình xuất khẩu sang Mỹ.
Nếu như năm 2014, xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ mới chỉ xuất được 35 ngàn tấn sắt thép các loại sang Mỹ trong tổng số 2,6 triệu tấn xuất khẩu ra thế giới trong năm đó (chiếm 1,3% trong tổng lượng sắt thép Việt Nam xuất ra thế giới). Con số này đã nhảy vọt lên nhiều lần trong năm 2015 (207 ngàn tấn và 8,1%) và đặc biệt là năm 2016 (931 ngàn tấn và 26,8%) và đến năm 2017 (523 ngàn tấn và 11,1%).
Mặc dù là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng Mỹ cũng chính là thị trường thường xuyên đưa ra nhiều rào cản thương mại nhất đối với hàng hóa mà nước này nhập khẩu. Đây cũng là thị trường áp dụng nhiều luật lệ khắt khe nhất, do đó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự am hiểu. Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có những thay đổi để bứt phá.
Theo đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần thay đổi tư duy xuất khẩu, chú trọng vào chất lượng xuất khẩu thay vì sản lượng để từ đó nâng cao tính cạnh tranh.
Đặc biệt, cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Đó là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam phải “nằm lòng” để có thể giữ vững được thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính, khắt khe như Hoa Kỳ.
Nguồn Enternews