Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2017, ước có thêm 5 nhà máy xi măng đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế xấp xỉ 15,7 triệu tấn/năm. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2016, trong 62,2 triệu tấn xi măng đã tiêu thụ nói trên, lượng xi măng và clinker xuất khẩu chỉ chiếm khiêm tốn gần 13 triệu tấn, tương ứng khoảng 20%.
Ông Trần Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho rằng, tiêu thụ xi măng đang là vấn đề lớn của các doanh nghiệp xi măng do thị trường dư thừa nguồn cung. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bắt buộc phải tìm đầu ra cho xi măng bằng con đường xuất khẩu, do phần lớn công suất chạy máy của các doanh nghiệp trong ngành đều chỉ ở mức 70 - 80%.
Các doanh nghiệp xi măng thừa nhận xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang bị cạnh tranh trực tiếp về giá từ các quốc gia có sản lượng xi măng lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… khiến sản lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh kể từ năm 2015 đến nay.
Nếu năm 2015 xuất khẩu xi măng và clinker thu về được gần 668 triệu USD, tương ứng khoảng 15,67 triệu tấn. 10 tháng của năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu được 12,3 triệu tấn xi măng và clinker, tương đương trị giá thu về đạt 467,4 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu xi măng và clinker trong 10 tháng giảm 8,4% về lượng và 18,6% về trị giá.
Theo ông Nguyễn Quang Cung đánh giá, hiện Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về sản lượng sản xuất xi măng, nhưng thực tế lượng xi măng xuất khẩu của Việt Nam so với Thái Lan lại thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, nước láng giềng Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng, lượng dư này gấp khoảng 8 lần tổng công suất xi măng của Việt Nam. Một trong những phương thức cạnh tranh của xi măng Trung Quốc là giá, khiến các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam rất khó có cửa tại thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, để bảo vệ ngành sản xuất xi măng trong nước trước sức ép cạnh tranh, Bộ Tài chính vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu 25% đối với clinker, từ 35 - 37% đối với xi măng (tùy loại) kể từ năm 2014 cho đến nay.
Nhận định thị trường xi măng trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ, đến năm 2018, công suất các nhà máy xi măng sẽ tăng lên đáng kể khi có nhiều dây chuyền mới bắt đầu đi vào sản xuất. Vì vậy, để cân đối cung - cầu cần có sự điều hành linh hoạt từ cơ quan quản lý Nhà nước, một mặt khuyến khích áp dụng công nghệ mới, thay thế các dây chuyền cũ, lạc hậu, mặt khác, không thể cho phép đầu tư tràn lan mà phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu.
Nguồn ximang.vn