Đầu năm 2017, Tập đoàn lớn và lâu đời nhất trong ngành công nghiệp xi măng Thái Lan, Siam Ciment Group (SCG) bất ngờ ra quyết định mua lại Cty CP Vật liệu xây dựng VN (VCM), có nhà máy sản xuất đặt tại Quảng Bình. Giá trị DN trong giao dịch này trị giá 440 triệu USD, bao gồm nợ ròng và chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại. Giá trị cổ phần sang nhượng từ các cổ đông hiện hữu với 100% cổ phần trao tay là 156 triệu USD.
Người Thái “bao sân”?
Tập đoàn này trong nhiều năm qua, cũng đã thực thi rất nhiều thương vụ thâu tóm DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ở VN, thiết lập ba mũi đầu tư kinh doanh với doanh thu khủng gồm hóa dầu, xi măng – vật liệu xây dựng và bao bì.
Riêng trong ngành xây dựng, SCG từng thực thi mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của Cty Prime Group. Trong giai đoạn 2015 – 2015, khi SCG bày tỏ với Bộ Xây dựng họ đang quan tâm đến ngành xi măng VN và tìm kiếm cơ hội hợp tác thích hợp, nhiều DN sản xuất xi măng quy mô nhỏ đã có mong muốn “bán mình” cho “SCG” để thoát ra khỏi tình trạng hoạt động cầm cự, dây chuyền nhà máy không dám chạy hết công suất vì cung hàng ra không biết đưa vào thị trường nào”…
440 triệu USD là giá trị DN trong giao dịch giữa SCG mua lại VCN vừa diễn ra đầu năm 2017.
Ngoài SCG, Siam Ciment (SCCC), tập đoàn sản xuất xi măng lớn thứ hai của Thái trong tuần này cũng công bố thương hiệu xi măng mới là Insee, thay thế cho thương hiệu Holcim VN. Đây là kết quả từ vụ M&A mà SCCC thực hiện thông qua mua lại 65% cổ phần của đại gia vật liệu xây dựng hàng đầu thế giới đến từ Thụy Sĩ LafargeHolcim.
Với những thương vụ mua lại các DN có thị phần lớn trên thị trường xi măng, người Thái nhiễm nhiên đang nắm một phần quyền lực chi phối mạnh. Nói là một phần, bởi trên thị trường hiện nay, Tcty Xi măng VN (Vicem) với hàng loạt Cty thành viên có hệ thống nhà máy trải dài vẫn đang được cho là sở hữu thị phần lớn nhất. Theo thống kê, Vicem đang nắm khoảng 34% thị phần trên thị trường.
Tuy nhiên nếu tính một cách cơ học về thị phần của Holcim VN khi sáp nhập Lafarge VN năm 2015,thì DN này đã chiếm tới 38% thị phần của thị trường. Có nghĩa, với vụ sang tay Holcim, chỉ riêng SCCG cũng nắm 1/3 thị phần, chưa bao gồm SCG cũng đã, đang ngày càng bành trướng trên lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Không nhắm vào thị trường nội địa
Khác với các lĩnh vực bán lẻ hay tiêu dùng – những địa chỉ mà người Thái cũng đã đầu tư thâu tóm các DN nội với hàng trăm triệu USD/ thương vụ, trong lĩnh vực xi măng, thị trường nội địa không phải là miếng mồi thơm, mặc dù VN vẫn đang được đánh giá có nhu cầu lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng lẫn BĐS dân dụng.
Theo báo cáo của Hiệp hội xi măng VN, tổng công suất thiết kế năm 2016 của ngành xi măng cả nước ước khoảng 88 triệu tấn/ năm. Tổng công suất tiêu thụ xi măng năm 2016 đạt hơn 75 triệu tấn/ năm, bao gồm cả xuất khẩu, trong đó cầu tiêu thụ nội địa đạt ước 59 – 60 triệu tấn. Như vậy, nếu xét trên tổng công suất và cầu tiêu thụ năm 2016 thì cung vẫn chênh lệch so với cầu chừng hơn 20 triệu tấn/ năm.
Cũng theo dự báo, vào 2018 nếu tính tổng công suất xi măng sẽ đạt khoảng 108 triệu tấn/năm; năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn. Trên cơ sở đó xét dự báo cầu tiêu thụ trong nước ở 2020 sẽ vào khoảng 82 triệu tấn, gần xấp xỉ cung thiết kế của năm qua, thì ngành xi măng sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn. Đầu ra của ngành xi măng theo đó, không thể chỉ dựa vào nội địa.
Đầu tư cho thị trường đơn nhất
Nếu lấy thực tế kinh doanh của SCG trong lĩnh vực xi măng để soi xét triển vọng mảng kinh doanh ngành, có thể thấy hiện tại , xi măng – clinker của SCG cũng khó tránh màu “bê tông xám”. Quý III/2016, kết quả kinh doanh trước kiểm toán của tập đoàn, trong có doanh thu từ hoạt động bán hàng giảm 5%, còn 3.012 triệu USD) do giảm giá dầu và mức giảm sản lượng cũng như giá thành xi măng, giảm 4% so với Quý trước…
Yếu tố mùa mưa, đầu tư nhà nước chậm, tư nhân chững lại là nguyên nhân SCG đưa ra để lý giải về chuyện giảm doanh thu từ xi măng. Đáng ngạc nhiên là trong khi doanh thu từ bán hàng giảm do nguồn thu từ sản lượng và giá thành xi măng, SCG vẫn không chùn bước đầu tư. Ngoài VN và các hệ thống có sẵn, tập đoàn cũng đã mở rộng nhà máy ở cả Myanmar và Lào.
Có vẻ như đây là những điểm đỗ mới trong chiến lược Asean của SCG nói riêng khi các DN xem Asean như một thị trường đơn nhất . Và việc đầu tư trước sẽ sớm giúp họ chiếm lĩnh lợi thế tiên phong. Nhìn lại con đường xuất khẩu của các DN sản xuất xi măng quy mô nhỏ, báo cáo của Stox Plus 2016 cho biết đa phần các DN nội đều có công suất sản xuất dưới 1 triệu tấn/ năm, yếu về thương hiệu, năng lực cạnh tranh, chưa kể tới thua kém các yếu tố đầu tư như chi phí đòn bẩy lớn, thời gian khấu hao chậm, chân rết đa thị trường hạn hẹp…
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh với nguồn cung xi măng đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… đã khiến DN VN phải chọn chiến lược giá thấp và nếu xuất khẩu lại phải gồng thêm thuế phí cao, lợi nhuận biên hẹp, DN đã khó càng khó hơn. Như vậy, việc vươn ra cạnh tranh trên thị trường Asean sẽ không thể so sánh với những DN có sẵn mạng lưới, nền tảng quy mô tập đoàn như những tập đoàn Thái. “Chân rết khép kín từ hệ thống nhà máy sản xuất, phân phối lẫn hệ thống các mảng vật liệu gia tăng doanh thu từ bán chéo sẽ giúp các DN lớn có lợi thế xuất khẩu xi măng hơn hẳn các DN nội địa. Họ có thể chấp nhận rủi ro tỷ giá, thuế phí nếu đầu tư vào xi măng VN, để xuất khẩu đi các thị trường khác và gia tăng doanh thu”, một chuyên gia đánh giá.
Có lẽ đây là nguyên nhân cơ bản khiến dù DN ngành xi măng “vật vã” tìm lối ra, người Thái vẫn mạnh tay chi tiền. Và như vậy, không loại trừ khả năng nhiều thương vụ ngoạn mục trong lĩnh vực xi măng sẽ còn tiếp tục diễn ra, đặc biệt với cả chính Vicem, DN đang đứng trước bài toán làm sao để IPO thành công vào cuối năm nay, sau cả một chặng đường dài chậm trễ. |
Nguồn Enternews