Thứ Sáu, 22/11/2024 04:51:12 GMT+7
Lượt xem: 231

Tin đăng lúc 13-05-2024

Doanh nghiệp xuất khẩu da giày còn đối diện nhiều thách thức

Đơn hàng đã dần quay trở lại với các doanh nghiệp xuất khẩu da giày, giúp kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trưởng 5,7% sau 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường nhập khẩu là điều không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.
Doanh nghiệp xuất khẩu da giày còn đối diện nhiều thách thức
Xuất khẩu da giày có nhiều khởi sắc.

Đơn hàng khởi sắc, doanh nghiệp da giày từng bước vượt khó khăn

 

Dần thoát khỏi khó khăn từ tình trạng thiếu đơn hàng suốt từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Tập đoàn Gia Định liên tục đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng kịp tiến độ các đơn hàng. Hiện nay, doanh nghiệp đang có đơn hàng đến tháng 10. Bí quyết để doanh nghiệp nhanh chóng có được các đơn hàng sau giai đoạn khó khăn chính là tập trung cho những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khó tính. Đồng thời, khai thác các tệp khách hàng mới ở khu vực châu Phi, châu Mỹ… thay cho các khách hàng truyền thống khác.

 

Cùng với Công ty CP Tập đoàn Gia Định, nhiều doanh nghiệp da giày khác cũng đang tất bật vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa tuyển thêm công nhân, chia ca sản xuất để đáp ứng đủ đơn hàng, sau hơn 1 năm gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng sụt giảm. Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu da giày ước đạt 1,956 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 6,542 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2023.

 

Tính về thị trường, 5 thị trường lớn nhất của giày dép Việt trong 4 tháng qua là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP để mở rộng sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Chile… Các FTA đã ký kết với lộ trình giảm thuế mạnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày phát triển thị trường.

 

Về phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao. Chưa kể, chất lượng nguồn lao động tốt với kỹ năng hơn 30 năm sản xuất giày dép cùng uy tín thương hiệu giày dép made in Việt Nam đã được khẳng định là bí quyết giúp doanh nghiệp nhanh chóng có được các đơn hàng mới ngay khi thị trường “ấm” lên.

 

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam chia sẻ, một trong những tín hiệu tích cực là nhờ các hiệp định FTA mà việc dịch chuyển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đã vào Việt Nam bởi muốn tận dụng các FTA thì doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện về quy tắc xuất xứ. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm da giày xuất khẩu từ mức 45% lên 55% và đang tiếp tục tăng lên. Đây là thành công đáng kể cho ngành da giày bên cạnh sự tăng trưởng xuất khẩu.

 

Kim ngạch xuất khẩu da giày tăng đã phản ánh phần nào bức tranh đơn hàng đã khởi sắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực này so với cùng thời điểm trước. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, từ cuối năm ngoái và đặc biệt là quý đầu năm nay, tình hình đơn hàng đã dần hồi phục, dù chưa về như thời điểm trước năm 2023.

 

Trong năm 2024, bên cạnh thị trường có các FTA, ngành da giày Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, cùng đó chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU bởi sức mua và dung lượng thị trường lớn.

 

Ứng phó kịp thời với những thay đổi của thị trường

 

Bên cạnh tín hiệu vui từ việc các đơn hàng quay trở lại, doanh nghiệp ngành da giày vẫn còn đang phải đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là các thay đổi từ thị trường.

 

Đơn cử như với thị trường EU, một trong những thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu khoảng 6 tỷ USD giày dép từ Việt Nam hiện nay đang áp dụng một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… Các nước khu vực Bắc Âu cũng đã và đang chuẩn bị lộ trình áp dụng “nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu” cho các sản phẩm dệt may và da giày.

 

Khu vực EU cũng đang có xu hướng ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm sinh thái, có lợi cho môi trường chứ không dùng các sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, còn có rất nhiều quy định của EU đối với mặt hàng giày dép như hóa chất, an toàn sản phẩm… cần phải tuân theo.

 

Hoặc, Cơ chế định giá carbon (CBAM) cũng được EU xây dựng để dần áp dụng với hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, do vậy cũng nằm trong số đối tượng chịu tác động từ CBAM. Mặc dù các quy định này có lộ trình áp dụng từ 5-7 năm nữa, tuy nhiên nếu doanh nghiệp không nhanh chóng tìm hiểu và dần thay đổi sản xuất thì sẽ không thể đáp ứng được và đứng trước nguy cơ mất thị trường.

 

Hay với thị trường Canada, một trong những thị trường mặt hàng da giày Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng lên đến trên dưới 20% thời gian vừa qua cũng đang trong giai đoạn áp áp dụng trách nhiệm mở rộng với nhà bán buôn và phân phối. Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada chia sẻ, trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng buộc các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm với việc thu hồi, quản lý sản phẩm nhựa ở cuối vòng đời sản phẩm như: trả tiền đặt cọc bao bì, thu đổi sản phẩm, lắp đặt điểm thu nhận bao bì… Đây là hàng rào phi thuế quan mà doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này phải tìm hiểu để tìm cách thích ứng.

 

Ngoài ra, dù tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày ngày càng tăng lên, song hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu, đặc biệt là đáp ứng hoàn toàn yêu cầu về xuất xứ của nguyên phụ liệu của các nước mà ta đã ký kết các FTA. Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

 

Do đó, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho rằng, giải pháp quan trọng hiện nay là cần xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam. Bởi về lâu dài, ngành da giày cần có chuỗi cung ứng sẵn ngay trong thị trường nội địa, từ đó nâng được chuỗi cung ứng thượng nguồn cũng như nguyên phụ liệu theo đúng như chiến lược phát triển của ngành, bảo đảm được năng lực cạnh tranh.

 

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may-da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, hiện nay, bộ này đang triển khai xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may-da giày và trình Thủ tướng phê duyệt nhằm định hướng phát triển ngành bền vững và lâu dài.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang