Triều Tiên
Trong quá khứ, đã có một thời gian dài người dân Triều Tiên không đón Tết âm lịch kể từ sau khi Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập. Tuy nhiên vào năm 1989, Tết Nguyên Đán và các phong tục cổ truyền xưa của đất nước này được phục hồi. Tết truyền thống dần trở lại đúng vị trí dù đất nước này vẫn còn trong tình trạng khó khăn về kinh tế do cấm vận.
Tết của người dân Triều Tiên chỉ kéo dài 2 – 3 ngày, gọi là Seol với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy saman đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc.
Cũng như nhiều người dân tại một số nước châu Á, người Triều Tiên đón tết âm lịch với những phong tục truyền thống độc đáo, mang đậm không khí đoàn viên gia đình. Trong ngày đầu năm mới, các thành viên gia đình ở Triều Tiên diện những bộ hanbok truyền thống đẹp nhất quây quần để đón tết.
Với người dân Triều Tiên, ông bà, người lớn tuổi trong nhà ngồi ở chỗ trang trọng nhất, trong khi con cháu thực hiện nghi lễ quỳ lạy trang trọng gọi là "sebae". Còn trẻ em cũng sẽ được mừng tuổi và mọi người cùng trao cho nhau những lời chúc tết tốt đẹp nhất. Món quà tết phổ biến nhất ở Triều Tiên là lịch năm mới.
Sau đó, mọi người cùng nhau dùng món canh bánh gạo tteokguk truyền thống và canh thịt lợn nóng dùng cùng cơm trắng trong bữa ăn tân niên. Một số gia đình tới nhà hàng dùng bữa trong ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Bia Taedonggang và Soju là đồ uống yêu thích của người dân trong dịp năm mới.
Một tục lệ khác khá thú vị của người Triều Tiên là nhà nhà đều chuẩn bị một chiếc rổ lớn làm bằng rơm và treo trước cửa nhà để xua đi cái không may của năm cũ cũng như đón chào một năm mới may mắn và tốt đẹp hơn.
Hàn Quốc
Trẻ em Hàn Quốc thực hiện nghi lễ truyền thống với ông bà và cha mẹ vào ngày Tết Nguyên đán.
Tết Nguyên đán của Hàn Quốc, hay còn gọi là Seollal ("seol" có nghĩa là phải thận trọng, không được hành động cẩu thả và bừa bãi), là một trong hai ngày lễ tết lớn nhất của người dân tại quốc gia này. Cũng giống như Việt Nam và một số quốc gia đón tết Âm lịch, người dân Hàn Quốc đón tết cổ truyền vào ngày mùng 1 tháng Giêng hàng năm.
Đây không chỉ là thời điểm người Hàn Quốc đón năm mới mà còn là dịp để nhớ về tổ tiên, gặp gỡ những thành viên trong gia đình. Họ thường mặc trang phục truyền thống - hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi trò chơi dân gian, ăn món ăn truyền thống, gặp gỡ mọi người... vào Tết Nguyên đán.
Tại Hàn Quốc, việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đơn giản hơn so với Việt Nam hay Trung Quốc. Họ chủ yếu đi chợ mua nguyên vật liệu để chuẩn bị đồ cúng cho năm mới, làm bánh tteok (bánh gạo), sau đó quét dọn nhà cửa...
Vào đầu năm mới, người dân cũng sẽ tặng nhau những món quà tùy vào tình hình kinh tế, nhưng phổ biến nhất là tiền mặt và thẻ quà tặng của các cửa hàng. Ngoài ra sẽ có thêm nhân sâm, mật ong, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi hoặc hoa quả, thực phẩm...
Một nét tương đồng giữa tết Nguyên đán của Hàn Quốc và Việt Nam là việc đi lại của những người ở xa quê những ngày cận tết khá khó khăn. Việc đặt vé tàu xe cũng phải tiến hành từ rất sớm nếu không muốn mất nhiều thời gian để trở về nhà. Hàn Quốc cũng có kênh radio riêng dùng để thông báo tình hình giao thông vào dịp tết để thông báo mật độ phương tiện trên các tuyến đường.
Tuy nhiên, gần đây người dân Hàn Quốc có xu hướng ông bà, cha mẹ ở quê sẽ lên thành phố ăn tết cùng con cái, thay vì thói quen rời thành phố để về quê ăn tết như trước đây để tránh việc di chuyển đông đúc và bất tiện.
Singapore
Đèn lồng đỏ được treo trên những con phố tại khu Chinatown, Singapore vào ngày Tết Nguyên đán
Với việc nửa số dân là người gốc Hoa, người Singapore rất coi trọng ngày Tết cổ truyền. Thời điểm đón Tết Nguyên đán của Singapore trùng lặp với thời điểm đón Tết âm lịch của các quốc gia châu Á khác.
Ngày Tết của Singapore diễn ra với 3 sự kiện nổi bật là lễ hội Hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác tại khu phố Chinatown.
"Đêm Hoa đăng" thường được tổ chức ngoài trung tuần tháng 1 dương lịch và trước ngày mồng 1 Tết Âm lịch với hình ảnh trang trí chủ đạo của lễ hội ứng với các con vật tượng trưng cho năm đó theo quy luật 12 con giáp.
Vào ngày tết, người dân Singapore cũng coi trọng việc thăm hỏi người quen và cùng nhau chia sẻ mâm cỗ truyền thống và ăn mừng một năm mới. Đặc biệt, món Lo-Hei, hay còn được gọi là gỏi cá thịnh vượng Yu Sheng là món ăn phổ biến được dùng trong dịp đầu năm mới.
Khi ăn, mọi người cùng đứng quanh bàn ăn, dùng đũa vừa đảo vừa tung các nguyên liệu của món gỏi vào với nhau và trao nhau lời chúc phúc lành. Nguyên liệu được tung lên càng cao thì sang năm càng được nhiều lộc may. Đồng thời, người dân Singapore cũng cho rằng, ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn. Ngoài ra, tất cả những món quà được trao đi trong dịp này đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo.
Đối với người dân Singapore, quả quýt vàng chín mọng là biểu tượng cho sự thịnh vượng, may mắn và phát tài. Vì thế, người dân Singapore thường tặng nhau những giỏ quýt đầy được trang trí công phu, bắt mắt với mong muốn mang đến thật nhiều niềm vui và hạnh phúc cho người được nhận.
Sau đó, người dân Singapore đi du xuân và trải nghiệm nhiều hoạt động như đi đền chùa để lễ thần phật xin lộc đầu năm và cả năm mới, vãn cảnh, tham quan danh thắng văn hóa, hoặc các khu vui chơi giải trí trong cả nước… Ngoài truyền thống lì xì cho người già và trẻ em, cha mẹ và những người thân đã lập gia đình thường tặng tiền lì xì đựng trong bao đỏ cho người thân chưa lập gia đình vào dịp tết Âm lịch. Phong tục này được xem là một cách cầu chúc may mắn sẽ đến với những người độc thân.
Theo Enternews