Nhưng để biến những “tài nguyên mềm” văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, không thể thiếu vai trò của đầu tư tài chính, trong đó có các quỹ hỗ trợ (huy động nhiều nguồn lực đóng góp từ xã hội).
Tại Chỉ thị số 30/CT-TTg (ngày 29/8/2024) về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất, kết nối hình thành Quỹ khuyến khích sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với các quỹ khác liên quan phát triển văn hóa. Đây là một chỉ dấu quan trọng của việc thực hiện cơ chế đặc thù đối với công nghiệp văn hóa nhằm tạo bước đột phá.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước Việt Nam trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là họ đã thành công trong việc xây dựng và duy trì các quỹ hỗ trợ để tiếp sức cho kinh tế sáng tạo.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, hầu hết các lĩnh vực văn hóa tại Pháp đều có các trung tâm quốc gia là nơi kết nối nhà nước và giới chuyên môn, nơi gặp gỡ giữa các đối tác trong từng lĩnh vực, chẳng hạn như: Trung tâm quốc gia về âm nhạc, Trung tâm quốc gia về phim và hoạt hình với ngân sách lấy từ thuế trên vé xem phim, thuế doanh thu các kênh truyền hình, Quỹ Sách quốc gia, Quỹ Hỗ trợ điện ảnh và phát thanh, Quỹ Hỗ trợ ca khúc, âm nhạc đại chúng và nhạc jazz… nhằm mang đến các biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực tương ứng.
Tại Anh, đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được thực hiện thông qua Hội đồng Nghệ thuật Anh (Art Council of England-ACE) với ngân sách hằng năm lên tới hơn 600 triệu bảng từ Chính phủ và Quỹ Xổ số quốc gia. Chính phủ nước này có nhiều chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích tư nhân hiến tặng và doanh nghiệp tài trợ, đầu tư cho lĩnh vực văn học nghệ thuật. Còn Trung Quốc thì có cả một hệ thống các quỹ đầu tư cho văn hóa, thí dụ: “Quỹ đặc biệt phát triển phim quốc gia”, “Quỹ đặc biệt quảng bá, giới thiệu hình ảnh"...
Các cơ sở kinh doanh văn hóa giải trí (như: Vũ trường, karaoke, phòng trà, sân golf, bowling, tổ chức kinh doanh quảng cáo...) phải nộp 3% doanh thu làm kinh phí dành cho Quỹ xây dựng văn hóa.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, sử dụng những công cụ tài chính đặc thù để thành lập hệ thống các quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa là rất cần thiết. Không phải đến thời điểm này, những người làm văn hóa Việt Nam mới ý thức được vai trò của các quỹ hỗ trợ.
Tại rất nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn liên quan văn hóa và công nghiệp văn hóa, đề xuất thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa đã được nhắc đến; thậm chí Quỹ Hỗ trợ phát triển cho điện ảnh - lĩnh vực được xác định là mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, đã được gợi ý hình thành từ cách đây cả chục năm.
Các chuyên gia cho rằng, việc lập quỹ hỗ trợ cần huy động nguồn vốn ban đầu do Nhà nước cấp và nguồn thu bổ sung hằng năm từ các khoản thuế, phí theo quy định của Nhà nước (có thể đóng góp theo tỷ lệ % từ doanh thu quảng cáo, tiền bản quyền sản phẩm, lệ phí bán vé…).
Bên cạnh đó là các khoản hiến tặng, tài trợ từ tư nhân, doanh nghiệp và các nguồn thu hợp pháp khác. Ở nhiều quốc gia, các quỹ cho văn hóa luôn có phần đóng góp đáng kể của những tập đoàn kinh tế lớn. Song ở Việt Nam, các doanh nghiệp lớn dường như chưa mặn mà với lĩnh vực này, do chưa có cơ chế giải quyết hài hòa quyền lợi cho các “mạnh thường quân”. Để khơi thông nguồn lực này, cần có chính sách miễn giảm một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp tương ứng với mức góp quỹ của họ.
Tuy nhiên, thành lập là một chuyện, làm thế nào để quỹ vận hành hiệu quả, bền vững lại là chuyện khác. Để làm được điều này việc quản lý, điều hành, phân phối, giám sát hoạt động của quỹ cần được quy định cụ thể, bảo đảm tính minh bạch. Nhiều ý kiến cho rằng, các quỹ hỗ trợ văn hóa cần có tính độc lập nhất định với cơ quan quản lý nhà nước; việc phê duyệt đầu tư cần được thực hiện bởi những người có uy tín chuyên môn cao nhưng không giữ chức vụ quản lý để tránh rơi vào cơ chế xin-cho.
Thông qua các hoạt động như hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực,… việc hình thành các quỹ về phát triển công nghiệp văn hóa rõ ràng có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của đất nước, do đó cần được thực hiện cẩn trọng nhưng cũng phải quyết liệt.
Theo Nhân dân