Còn nhớ tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có lời hứa với 20 triệu người dân ĐBSCL về phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực này, trước hết là tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải được hoàn thành trong năm 2021.
Đến nay, dự án tuyến Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã hoàn thành 75% tiến độ và được thông tuyến vào ngày 4/1 vừa qua. Bên cạnh đó, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đã chính thức được khởi công xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác toàn bộ dự án giai đoạn 1 trong năm 2023.
Với 4 triệu ha, hạ tầng của ĐBSCL và hệ thống giao thông kết nối với khu vực TP.HCM, Đông Nam Bộ luôn được xem cấp bách và quyết định sự phát triển của khu vực chiếm hơn 20% GDP của cả nước.
Ông Lê Minh Hoan - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, hiện là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng cho rằng, nói đến ĐBSCL là nói đến bức tranh về hạ tầng. Để ĐBSCL phát triển cần có sự cộng hưởng giữa cơ sở hạ tầng hoàn thiện với sự chuyển đổi nền kinh tế và vấn đề quan trọng nhất là sớm có sự định hướng.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL còn rất nhiều hạn chế, cả khu vực này mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc (Cao tốc TP.HCM – Trung Lương). Trong khi đó, hệ thống giao thông đường thủy đang phải gánh một áp lực lớn trong việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực lên TP.HCM, gây lãng phí thời gian, làm đội chi phí, kìm hãm sự phát triển của vùng, vốn được đánh giá giàu tiềm năng và lợi thế.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc này sẽ góp phần giải quyết nhu cầu vận tải hàng hóa khi tuyến Quốc lộ 1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời điều đó sẽ mở ra các cánh cửa để thực hiện bước chuyển đổi kinh tế cho vùng
Theo Enternews