Theo báo cáo thị trường dệt may toàn cầu, tổng cầu dệt may thế giới dự kiến sẽ tăng từ 594 tỷ USD năm 2020 lên 654 tỷ USD vào năm 2021, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam - tăng 20% so với cùng kỳ lên 115 tỷ USD, trong khi tổng nhu cầu dệt may đối với thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2021.
Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) về nhu cầu của thị trường dệt may thế giới trong năm 2021 cũng như năng lực xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong giai đoạn phục hồi hiện nay.
Theo ông, với những dự báo tích cực về nhu cầu thị trường dệt may thế giới hiện nay, liệu dệt may Việt Nam có đạt mục tiêu xuất khẩu bằng với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 hay không?
Ông Lê Tiến Trường: Tôi cho rằng vẫn có khả năng cao dệt may Việt Nam đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 bằng với năm 2019 và với tình hình tiêm vaccine và tiến tới miễn dịch toàn cầu thì trong 6 tháng cuối năm, thị trường còn tiếp tục có những thông tin lạc quan hơn. Thêm vào đó, các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm có đặc điểm là hàng thu-đông và sẽ có giá trị cao hơn.
Mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt mức 10% và dệt may Việt Nam có thể quay trở lại mức xuất khẩu của năm 2019, sớm hơn tối thiểu một năm so với tổng cầu của thị trường.
Chúng tôi cũng hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục hồi và người tiêu dùng ở các quốc gia sau hơn 1 năm hạn chế chi tiêu, sẽ có nguồn tài chính để tăng tiêu dùng cá nhân. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ rất lớn của Mỹ cho các doanh nghiệp và người dân với gói hỗ trợ lên tới 1.900 tỷ USD.
Ông dự báo ra sao về xu hướng tiêu dùng hàng may mặc trong giai đoạn phục hồi được?
Ông Lê Tiến Trường: Sau thời gian thắt chặt chi tiêu do dịch COVID-19 tác động, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều.
Năm 2020 vừa qua, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Năm nay, các mặt hàng kể trên sẽ có sự phục hồi nhất định nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Trong khi đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Việc tăng trưởng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này trong năm nay vẫn chưa rõ ràng, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về như trước khi có đại dịch hay không. Nếu thế giới vẫn duy trì cách thức làm việc tại nhà thì các mặt hàng kể trên sẽ không thể phục hồi như trước được.
Tuy nhiên, tôi có thể chắc chắn rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy hết công suất các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt trong giai đoạn phục hồi hiện nay đó là xu thế giảm giá ngặt nghèo
Ông Lê Tiến Trường: Cần phải nhìn nhận rằng, thách thức mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt trong giai đoạn phục hồi hiện nay đó là xu thế giảm giá ngặt nghèo và đặc biệt ngặt nghèo ở những doanh nghiệp kinh doanh mảng dệt và may.
Từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 giá sợi tăng lên rất nhiều khiến những người làm dệt, may rất căng thẳng. Hiện nay, những đơn vị làm dệt gần như khó làm nổi, do giá vải chưa tăng lên, hoặc tăng không đáng kể, trong khi giá sợi đã tăng 25%.
Bên cạnh áp lực giảm giá chung của thị trường thì doanh nghiệp ngành dệt còn chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Dự kiến lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch 1 triệu tấn.
Chưa kể đến việc doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rủi ro trong quản trị dịch bệnh. Cá biệt ở từng đơn vị, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa, hoặc không may nhà máy nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa, không sản xuất được, sẽ bị thiệt hại rất nhiều.
Bởi ngoài việc không sản xuất, không có thu nhập, doanh nghiệp sẽ vẫn phải trả một phần lương cơ bản cho người lao động và có nguy cơ chịu phạt các hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài, trong khi không được hưởng các chính sách hỗ trợ chung như khi toàn xã hội bị đóng cửa.
Đơn hàng đã có, doanh nghiệp đã sẵn sàng chưa, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trường: Vinatex có điểm mạnh là Tập đoàn gồm những doanh nghiệp lớn, có uy tín với thị trường lâu năm, do đó khi thị trường phục hồi thì các doanh nghiệp trong Vinatex có thuận lợi trong việc tiếp cận trở lại các đơn hàng.
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, một số khách hàng truyền thống của chúng tôi gặp khó khăn, đơn cử như tại thị trường Mỹ có hơn 10 thương hiệu lớn phải đóng cửa. Do đó, chúng tôi chấp nhận vừa phải tìm khách hàng mới, vừa phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt.
Chưa kể, Vinatex có quy mô lớn, chế độ chính sách cho người lao động tốt hơn nên về giá có thể không cạnh tranh như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện, Vinatex vẫn phải tiếp tục xử lý bài toán cạnh tranh về giá này.
Tuy nhiên, tin vui là những tháng đầu năm 2021, Vinatex đã bắt kịp nhu cầu thị trường, nhất là ngành sợi, đã tăng trưởng tới 41%. Các doanh nghiệp của chúng tôi đang neo vào con số này, phát huy thế mạnh của ngành sản xuất sợi để phục hồi. Không chỉ phục hồi về sản lượng xuất khẩu mà còn phục hồi về hiệu quả trong con đường đi dài tiếp theo trong năm 2022, 2023, khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn.
Phải khẳng định rằng, Vinatex hoàn toàn tự tin bước vào năm 2021 về sự chuẩn bị khách hàng, đổi mới quản trị đã thực hiện từ năm 2020. Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng có thể còn chưa quay trở lại được với mức xuất khẩu như năm 2019. Vinatex phấn đấu tăng 30%-35% so với năm 2020 do thị trường vẫn trong tình trạng giá mua – bán ở mức thấp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Chinhphu