Thứ Sáu, 22/11/2024 14:54:13 GMT+7
Lượt xem: 2565

Tin đăng lúc 14-02-2017

Đón “sóng” đầu tư từ châu Âu

Châu Âu được xem là khu vực nhiều hứa hẹn với kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực. Các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có hai “làn sóng” đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam.
Đón “sóng” đầu tư từ châu Âu
Sản xuất bánh mì tại công ty Bánh Vàng - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Pháp

Chuyên gia kinh tế Vincent Repay (Bỉ) nhìn nhận, “làn sóng” thứ nhất mang tính ngắn hạn với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư. Theo đó, sẽ có một số công ty sản xuất của châu Âu dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng các cơ hội về chi phí sản xuất. Hệ quả của “làn sóng” này là thị trường lao động của Việt Nam có thể tạo ra nhiều việc làm mới.

 

Bên cạnh đó, ông Vincent Repay cho rằng, “làn sóng” thứ hai mang tính trung và dài hạn mới thể hiện đúng “chất” của các nền kinh tế châu Âu. Đó là việc xuất hiện của các doanh nghiệp châu Âu với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn của Việt Nam. Việc tối đa hóa lợi nhuận không phải là mục tiêu sớm của các doanh nghiệp này, thay vào đó, họ sẽ tập trung cải thiện năng lực sản xuất, kết hợp với các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam.

 

Trong khi đó, một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây nhận định: Một trong những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và sử dụng vốn FDI. Để có thể đón một cách hiệu quả “làn sóng” đầu tư từ châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, báo cáo này đã đề xuất một số thay đổi trong tương lai về luật pháp đầu tư và thể chế. Theo đó, Việt Nam cần luật hóa các quy định liên quan đến đầu tư trong thực thi EVFTA để cải thiện sự thuận lợi cho các nhà đầu tư; xem xét, công bố và kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch để thu hút đầu tư và hướng dẫn thực hiện hiệu quả các chính sách để thu hút có chọn lọc đầu tư chất lượng, tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại khu vực nông thôn và các dự án công nghiệp phụ trợ.

 

Việt Nam cần xây dựng chính sách để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường cũng như có các chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất vật liệu, thành phần đầu vào cho sản xuất, chế biến, chế tạo.

 

Một điểm yếu lâu nay trong thu hút đầu tư của Việt Nam là việc bảo vệ nhà đầu tư (xếp thứ 100/140 trên thế giới). Nhận rõ vấn đề này, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ ban hành ngày 6/2/2017 đã đặt mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước như là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

 

Báo cáo của CIEM cũng khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hướng công khai minh bạch; tạo ra cơ chế để công nhận và bảo đảm thi hành các phán quyết của tòa án và trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong đầu tư, kinh doanh.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang