Trong những năm qua, thực hiện chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), PC Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp cùng các ngành trong tỉnh. Do vậy, lộ trình chuyển đổi số luôn đạt kế hoạch Tổng công ty giao giao. Cụ thể: Đã lắp đặt 481.872 công tơ điện tử có chức năng thu thập dữ liệu từ xa thay thế cho công tơ cơ khí, đạt 59,57% trên tổng số công tơ đang vận hành; Xác thực và chuẩn hóa lại thông tin của tất cả các khách mua điện để thực hiện số hóa Hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) (ký HĐ theo phương thức điện tử), qua đó đã xóa bỏ hoàn toàn hợp đồng giấy như trước đây; Tất cả các giao dịch của khách hàng với ngành điện đều được thực hiện theo phương thức điện tử và qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Riêng trong lĩnh vực thanh toán tiền điện và phí dịch vụ phát sinh trong quá trình thực hiện HĐMBĐ, đối với các khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt, việc thanh toán tiền điện cơ bản đã thực hiện theo các hình thức UNC/UNT hoặc trích nợ tự động qua các Ngân hàng. Đối với khách hàng mua điện sử dụng sinh hoạt, do thói quen nên phần lớn đang sử dụng hình thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt tại quầy giao dịch của các Điện lực. Tính đến ngày 30/4/2022, trong toàn PC Thanh Hóa, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt qua hình thức trích nợ tự động tại các Ngân hàng và Ví điện tử mới đạt 6,82% tương đương 54.242 khách hàng.
PC Thanh Hóa cùng Ngân hàng Agribank Thanh Hóa trao thỏa thuận ký kết dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025... Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Hiện nay, PC Thanh Hóa đang ký hợp tác triển khai thu hộ tiền điện với 08 ngân hàng và 08 Tổ chức trung gian thanh toán. Đặc biệt, để đa dạng kênh thanh toán và tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng và người dân trong việc thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi, đầu năm 2022, Công ty đã ký tiếp thỏa thuận hợp tác thanh toán tiền điện bằng các hình thức như: Thanh toán thấu chi qua tài khoản với Agribank CN Thanh Hóa, Ví Mobile money của Viettel Thanh Hóa và VNPT Thanh Hóa. Trong đó, phí thu tiền điện của các nhà cung cấp dịch vụ đều do ngành Điện chi trả.
Để đạt được mục tiêu đối với dịch vụ thanh toán tiền điện là 80-90% số doanh nghiệp, hộ gia đình thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, PC Thanh Hóa tiếp tục sẽ đưa ra nhiều giải pháp tối ưu, hiệu quả. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, BQL các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng, tiếp tục phối hợp với ngành điện trong việc tuyên truyền, vận động CBCNV, người dân và doanh nghiệp thực hiện giải pháp thanh toán tiền điện, các dịch vụ điện bằng hình thức không dùng tiền mặt như: Trích nợ tự động, SMS & Mobile Banking, Internet Banking, Ví điện tử Mobile Money, Ủy nhiệm thu/Ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên Website của Điện lực.
Tính đến hết tháng 4/2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 71,41%; Doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt 94,88% . Trong đó, qua Ngân hàng chiếm tỷ lệ khách hàng là 15,42% với tỷ lệ tiền thu chiếm 81,11%; Qua Ví điện tử của tổ chức TGTT: Tỷ lệ khách hàng chiếm 55,99%, tỷ lệ tiền thu chiếm 13,77%.
Hùng Mạnh – PC Thanh Hóa