Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã khẳng định như vậy tại hội nghị tri ân DN ngành Công thương nhân ngày Doanh nhân 13-10.
Trăn trở trước những rào cản
Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, đặc biệt khi tham gia một số FTA mới với mức độ tự do hóa cao hơn như: Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - EU… Đây là cơ hội nhưng cũng đem lại áp lực cho DN sản xuất trong nước.
Thời gian qua, Sở Công thương Hà Nội đã bám sát các chương trình, kế hoạch của UBND thành phố, tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như: Cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát sửa đổi các quy định thủ tục hành chính; nâng cao chỉ số PCI; định kỳ tổ chức gặp gỡ DN để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất... Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2015 đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh những kết quả đáng ghi nhận từ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của thành phố. Cụ thể, sản xuất công nghiệp trên địa bàn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, tích cực. Giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp quý III tăng 8,2% (cao hơn các quý I và II lần lượt là 7,1% và 6,2%).
Qua nhiều hội nghị đối thoại giữa DN với lãnh đạo thành phố, hầu hết DN đều ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm, tạo điều kiện của thành phố, sự tích cực chủ động trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ khi tiếp xúc giải quyết công việc với DN.... Tuy nhiên, theo nhiều DN, vẫn cần tiếp tục đơn giản hóa và giảm thời gian thực thi các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là những vấn đề như: Giá thuê đất, mặt bằng sản xuất, giá nguyên nhiên liệu "đầu vào" phục vụ sản xuất còn cao; DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn từ các gói hỗ trợ; lãi suất cho vay của ngân hàng thực tế cao hơn so với công bố… Một số cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, SXKD được ban hành nhưng chưa đồng bộ.
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Ngay từ những tháng đầu năm 2015, lãnh đạo thành phố đã xác định: Tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, Sở Công thương Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp DN nắm bắt thông tin về các FTA mà Việt Nam tham gia; hỗ trợ DN phát triển SXKD, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước, các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Nam Phi, Mỹ, Nga, Anh, Đức, Australia… để tận dụng được các ưu đãi, giảm thiểu thách thức mà FTA mang lại.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giày dép; tích cực triển khai chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; chương trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh của Thủ đô; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư...; hỗ trợ DN đẩy mạnh bán hàng qua hình thức thương mại điện tử... Mặt khác, Sở Công thương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN đầu tư xây dựng hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp. Đồng thời, triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về điện, bảo đảm môi trường SXKD thuận lợi cho DN.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Lãnh đạo Hà Nội luôn quan tâm và coi việc tạo điều kiện để DN phát triển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, thuận tiện, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, giảm chi phí của DN. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của thành phố, trên cổng giao tiếp điện tử thành phố và website của các sở, ngành về chủ trương, đường lối, các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh…
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các DN chủ động nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ với xúc tiến đầu tư để mở rộng SXKD; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong SXKD, dịch vụ... góp phần tăng năng suất, chất lượng. Xây dựng văn hóa DN, tạo lập bản sắc văn hóa riêng của DN Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Nguồn: Báo Hà Nội mới