Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:15:05 GMT+7
Lượt xem: 4353

Tin đăng lúc 09-04-2016

Đồng Kỵ: Rạng danh một thương hiệu làng nghề

Đồng Kỵ - làng cổ nổi tiếng của xứ kinh Bắc xưa, là một làng nghề truyền thống, có đến 95% hộ dân tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và đồ gỗ mỹ nghệ mang thương hiệu Đồng Kỵ đã thực sự chinh phục được thị trường trong, ngoài nước bởi mẫu mã đa dạng, chất lượng tuyệt hảo.
Đồng Kỵ: Rạng danh một thương hiệu làng nghề
Đồng Kỵ tưng bừng trong lễ hội rước pháo

Theo Quốc lộ I, ngược hướng Bắc Ninh, đến cây số 17 rẽ trái đi khoảng ba cây số là đến làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đến với Đồng Kỵ lúc này, du khách sẽ dễ dàng cảm thụ được sự thanh bình, trù phú của một làng quê có đường làng rộng rãi, đi lại thuận tiện, xe ô tô trọng tải 4 - 5 tấn có thể chạy xuyên làng vào tận các ngõ, xóm chính. Đồng Kỵ có một khu công nghiệp làng nghề, hai khu dân cư nhỏ, có số dân đông cùng tỷ lệ sinh khá cao, nên quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Giờ đây, lao động làm nông nghiệp của làng còn rất ít do người dân tập trung cho sản xuất công nghiệp. Nghề thủ công nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu được coi là thế mạnh nhất của làng, với thu nhập hàng nghìn tỷ đồng/năm. Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở đây không chỉ giải quyết thỏa đáng công ăn việc làm cho người dân địa phương, mà còn thu hút lượng lớn lao động ngoài tỉnh đến làm việc, mang lại thu nhập bình quân cho người thợ từ 7-15 triệu đồng/người/tháng (tùy tay nghề và công việc).

 

Từ bao đời nay, Đồng Kỵ đã nổi tiếng là làng chạm khắc gỗ truyền thống, với những đồ mộc chạm cao cấp, đồ trang trí nội thất hay tượng mỹ nghệ. Sập gụ, tủ chè, xa-lông thường được làm từ gỗ Mun, gỗ Gụ, gỗ Hương hay gỗ Đinh, còn đồ gia dụng cao cấp thì ít cần chạm trổ và thường làm từ gỗ Lát, Cẩm Lai và gỗ Lim. Thông thường, các loại gỗ này đều được nhập từ Lào hoặc từ các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng. Đặc biệt, ngoài các mặt hàng đồ gỗ gia dụng đơn giản, còn có hàng loạt các sản phẩm được khắc chạm với đủ thể loài từ chim, thú đến hoa, lá… được làm rất khéo léo, tinh tế như: bộ bàn ghế uống trà, tiếp khách được chạm hình rồng, rồi giường công chúa uốn lượn rất thơ mộng, tủ chạm và khảm xà cừ… thật hấp dẫn và bắt mắt.

 

Để làm ra được sản phẩm, người thợ phải trải qua một quy trình sản xuất rất công phu, tỉ mỉ với nhiều công đoạn như: chế biến gỗ, phác hình lên mặt gỗ, đục và tạo dáng, cuối cùng là hoàn tất (khâu này do thợ phụ làm). Hơn nữa, để giao được một sản phẩm hoàn chỉnh (kể từ khi có khách hàng tới đặt hàng), người thợ phải mất tới 30 - 40 ngày làm việc miệt mài mới có hàng để giao cho khách.  

 

Vừa tới đầu làng ta đã bắt gặp những âm thanh như được tấu lên từ một “bản nhạc” nghe đến vui tai, được phát ra từ  những tiếng đục đẽo, chạm khắc lách cách, tiếng cưa xẻ xoèn xoẹt… vang lên khắp làng trên, xóm dưới. Hay, đi từ ngõ này sang ngõ khác, từ nhà này sang nhà kia, cả khi trò chuyện với ông chủ trẻ mới phất lên, cũng như thăm hỏi các nghệ nhân tiền bối, lúc ngắm nhìn các cô bé trổ hoa văn, đánh véc ni, rồi cả những người xén mảnh trai để khảm giường “công chúa”, sập gụ, tủ chè…, ta dễ dàng nhận ra giữa các gia đình làm nghề ở đây đã có mối liên kết vô hình và tự phát, từ đó đã hình thành nên những dây chuyền sản xuất, phân công lao động, điều phối nhân lực, hoàn thiện từng công đoạn sản xuất, cho ra sản phẩm hoàn chỉnh… xem ra guồng quay sản xuất ở đây rất nhịp nhàng, ăn ý nhau.  Nhờ bàn tay khéo léo, độ thẩm thấu nghệ thuật cao của những người thợ thủ công nơi đây, nên từ những khối gỗ vô tri, vô giác đã làm ra được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì thế, hàng thủ công mỹ nghệ mang thương hiệu Đồng Kỵ đã thực sự hấp dẫn không chỉ với thị trường trong nước mà còn chinh phục không ít quốc gia trên thế giới và khu vực. Quả là, hàng thủ công mỹ nghệ đã làm rạng danh cho mảnh đất trăm nghề nói riêng, cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói chung.

 

Đồng Kỵ vẫn giữ được phong tục lễ hội nổi tiếng, với lễ pháo lừng danh diễn ra vào mùng 3 - 5 tết Âm lịch. Hội dựa trên truyền thống đánh thủy quái của vị Thành hoàng làng và truyền thống chống ngoại xâm của bốn vị tướng ở làng. Hàng năm, làng sẽ chọn bốn người đến tuổi 50 ở mỗi giáp làm bốn vị tướng xuất quân đánh giặc (Quan đám). Mỗi vị sẽ có trách nhiệm tổ chức quân cũng như làm ra một quả pháo (từ nhỏ đến to), quả nhỏ (pháo tư) dài khoảng 5 mét, quả lớn nhất (pháo nhất) có thể dài đến 15 mét hình trụ tròn, đường kính lên tới 1 mét. Ngày mồng 3 là ngày lễ rước vua về làng, tối mồng 3 là lễ chạy quan đám. Mồng 4 là lễ rước pháo ra đình để hội quân, sau lễ thờ Thành Hoàng làng là phần hấp dẫn nhất - đốt bốn quả pháo. Do pháo quá lớn dễ gây nguy hiểm, hơn nữa theo quyết định của Chính phủ về cấm đốt pháo từ năm 1994, các hình thức của lễ, hội đã thay đổi ít nhiều, không còn đốt pháo (pháo hiện nay chỉ là pháo giả). Sau hội đốt pháo sẽ là lễ xuất quân, các ông đám sẽ được công kênh trên vai của những chàng trai đang độ sung sức, họ làm động tác múa, như vừa cổ động tinh thần quân lính, như vừa chào tạm biệt nhân dân đi đánh giặc. Đồng Kỵ mở hội pháo, không chỉ thu hút khách thập phương vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà cả đông đảo du khách phương Nam và du khách nước ngoài.

 

Lúc này đây xu thế tiêu dùng đã, đang trở lại với phong cách cổ, giả cổ. Hy vọng, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội mới để tiếp tục bứt phá vươn lên, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam để cùng ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam vươn lên tầm cao mới và hội nhập thành công. 

 

Hoàng Anh 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang