Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp thành công trong việc kết nối với các nhà khoa học để tạo ra những sản phẩm mới mang tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xác định đúng mục tiêu
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, có rất nhiều điểm mới về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (Nghị quyết Đại hội XVII) so với Nghị quyết Đại hội XVI.
Trước tiên, vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nâng tầm, được khẳng định sẽ là động lực phát triển mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Nghị quyết Đại hội XVII đã đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược”.
"Lần đầu tiên phạm trù “đổi mới sáng tạo” được bổ sung vào Nghị quyết để thống nhất với chỉ đạo của Trung ương, phù hợp tình hình thực tế của Thủ đô và xu hướng thời đại. Lần đầu tiên đưa ra mức tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không thấp hơn 1% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô. Lần đầu tiên đưa “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thành phố thông minh, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp” là một trong 3 nội dung chính để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong đó, hoàn thiện, vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm dữ liệu của thành phố; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số thành phố Hà Nội; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phấn đấu đạt 100%; vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm dữ liệu thành phố, kết nối đồng bộ, liên thông các cơ sở dữ liệu về dân cư, cán bộ, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, năng lượng…”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Để triển khai Nghị quyết Đại hội XVII, Hà Nội sẽ xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực: Hỗ trợ doanh nghiệp tạo sản phẩm mới; áp dụng hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế... Thành phố sẽ tăng cường xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, tài chính, đất đai...) để đồng hành với sự phát triển khoa học,công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Thành phố cũng tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là trung tâm tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và quốc tế; kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới là giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, phát triển kinh tế số, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh.
Quyết tâm và nỗ lực mới
Tuy nhiên, để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng để Thủ đô bứt phá, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội phải nỗ lực rất lớn. Hiện tại, hoạt động khoa học, công nghệ của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả. Việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành các cơ chế, chính sách còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ; các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn hạn chế cả về số lượng và quy mô, nhất là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ... Đặc biệt, đầu tư công cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, để triển khai Nghị quyết Đại hội XVII, bên cạnh những kế hoạch lâu dài, trước mắt Sở sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng... Mục tiêu là làm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nhiệm vụ thường xuyên, một nội dung không thể tách rời trong từng ngành, lĩnh vực của Thủ đô.
Song song đó, triển khai hiệu quả biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND thành phố và Bộ Khoa học và Công nghệ (ngày 14-7-2020). Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời nhu cầu thực tiễn, từ đó đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ cho đúng và trúng. Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cần có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học và nhà quản lý, doanh nghiệp. Sở sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học, chuyên gia với chính quyền, doanh nghiệp và người dân Thủ đô.
Sở cũng sẽ tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng, trình Thành ủy xem xét, phê duyệt và ban hành Chương trình số 07-Ctr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020-2025”, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố, tạo sự bứt phá về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Thủ đô.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, sau khi Thành ủy ban hành chương trình đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Liên hiệp sẽ có chương trình hành động cụ thể, quyết tâm đóng góp công sức và trí tuệ với thành phố để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII.
Theo Hanoimoi