Các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có một ấn tượng tốt đẹp với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Đồng Nai. Những năm qua, hợp tác kinh tế giữa Đồng Nai và Nhật Bản liên tục được đẩy mạnh. Nhu cầu về linh kiện, sản phẩm trong nước từ DN Nhật Bản đã tạo ra cơ hội lớn cho các DN CNHT ở Đồng Nai gia tăng cung ứng hàng hóa, sản phẩm.
Công ty TNHH Cơ khí chính xác Đức Khang Phát (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa) thành lập vào tháng 7/2017, có các đối tác là công ty Nhật Bản về sản phẩm nhựa, linh kiện xe hơi, đồ dùng điện công nghiệp, dân dụng. Công ty đang từng bước trở thành một trong những công ty gia công cơ khí chính xác uy tín tại Việt Nam. Đội ngũ điều hành được làm việc, đào tạo tại các công ty Nhật Bản về kỹ thuật và học hỏi được quy trình làm việc theo chuẩn Nhật. Nguồn khách hàng từ công ty Nhật Bản chiếm tới 90% doanh thu hằng năm, 10% còn lại thuộc về các công ty khác và có sự tăng trưởng từ 20-30% mỗi năm.
Đồng Nai phấn đấu đến hết năm 2025, CNHT chiếm khoảng 21-23% giá trị toàn ngành công nghiệp. Đồng Nai cũng sẽ tìm cách tạo cầu nối liên kết giữa CNHT với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hợp tác chặt chẽ với nhau, phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo.
Dù vậy, theo giới chuyên gia, ngành CNHT Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng còn phải đối diện nhiều khó khăn. Đa phần các DN trong nước còn ở dạng nhỏ và vừa, sự phát triển của ngành, thị phần phụ thuộc vào các nhà sản xuất, cung cấp ngoài nước khiến cho năng lực cạnh tranh chưa cao. Các DN cũng không có lợi thế về vốn, công nghệ và đang ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị.
Điển hình như, chuỗi giá trị do nhà sản xuất chi phối (ô tô, điện tử…) đã không thành công trong phát triển CNHT. Còn chuỗi giá trị do người mua chi phối như dệt may, da giày thì Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh chi phí lao động, dịch vụ cao.
Có một thực trạng chung đang diễn ra đó là, chính sách phát triển CNHT có nhiều nhưng các DN hầu như chưa tiếp cận và thụ hưởng được bao nhiêu. Trong khi nhiều DN đang phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ DN có vốn đầu tư nước ngoài và đối mặt với nguy cơ lạc hậu về công nghệ.
Ông Đinh Thành Cương, Giám đốc Công ty TNHH Ishikawa (TP. Biên Hòa) nhấn mạnh: “Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề sống còn của DN. Các DN ngoại đang chủ yếu sử dụng sản phẩm từ các công ty con của mình nhiều hơn, do vậy thị phần cho các nhà sản xuất nội lại càng bị eo hẹp. Một số DN may mắn có đơn hàng cũng chỉ làm gia công cho một đối tác khác theo thương hiệu của họ”.
Theo ông Cương, các DN rất mong muốn được tham gia các chương trình hỗ trợ của tỉnh, nhất là trong xúc tiến thương mại, gặp gỡ các đối tác ngay tại Việt Nam. Sản phẩm DN tốt nhưng trên thực tế vẫn chưa nhận được nhiều đơn hàng như kỳ vọng. DN cần Nhà nước tạo cầu nối, quan hệ để việc hợp tác, cung ứng dịch vụ, sản phẩm cho lĩnh vực sản xuất được mở rộng hơn.
KCN Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch) có nhiều DN nước ngoài thuê nhà xưởng để sản xuất
Giám đốc Công ty CP Xây dựng Nhật Gia (TP. Biên Hòa) Bùi Vĩnh Nhật cho biết: “Chúng tôi sở hữu đội ngũ nhân lực được tu nghiệp ở nước ngoài có chất lượng cao trong ngành cơ khí, chế tạo song sản phẩm làm ra vẫn đang gặp khó khăn về thị trường. Trước sự cạnh tranh gay gắt với nhà cung ứng ngoại, các DN trong nước cần nhiều hơn những sự hỗ trợ. Trong đó, việc xây dựng các cơ quan làm đầu mối, tổ chức hội thảo, hội chợ, kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với DN sản xuất đều rất quan trọng”.
Theo đuổi lĩnh vực ngũ kim, cơ khí, làm hàng phụ trợ cho các DN sản xuất gỗ trong và ngoài tỉnh, ông Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP. Biên Hòa) cho hay, quy mô của DN vẫn còn rất khiêm tốn. Khó khăn lớn nhất của Công ty là thiếu nguồn lực để mở rộng hạ tầng, cơ sở sản xuất. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các DN thường không có đất sản xuất phù hợp quy định, trong khi việc thuê được đất, nhà xưởng trong các khu công nghiệp là điều không phải ai cũng làm được.
Bởi vậy, để phát triển ngành CNHT, các địa phương đều đang đưa ra nhiều giải pháp linh động, hiệu quả, tận dụng tốt nguồn lực sẵn có. Ví dụ như Đồng Nai, từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Đồng Nai đã sớm đón được nhiều DN nước ngoài. Điều đó lại giúp kích thích DN trong nước tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này, dần dần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù vậy, các DN trong nước vẫn chủ yếu gia công hoặc làm những sản phẩm đơn giản. Hiện nay, Đồng Nai là một trong 3 trung tâm có ngành CNHT lớn nhất của Việt Nam. Trong cơ cấu xuất khẩu của Đồng Nai, hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc về CNHT.
Hiểu được mong muốn của các DN, thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực hỗ trợ kết nối cung – cầu cho các DN CNHT. Đơn cử, tháng 4/2021, Đồng Nai và Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI - Kansai) đã ký kết hợp tác với các nội dung phát triển ngành CNHT, đào tạo và cung cấp nhân lực, lĩnh vực môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho biết: “Đồng Nai sẽ thường xuyên phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cùng các đơn vị liên quan tăng cường trao đổi thông tin, triển khai các chính sách hỗ trợ một cách hợp lý, kịp thời để thúc đẩy DN CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển”.
Minh Phương