Bên cạnh một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng khá như: giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng; thì còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có mức tăng thấp so cùng kỳ như: hàng dệt, may (xuất vào các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc); xơ sợi (xuất vào các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia); sản phẩm gỗ (xuất vào các thị trường Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Australia); sản phẩm gốm, sứ (xuất vào các thị trường Đài Loan, Braxin, Malaysia, Thái Lan).
Nguyên nhân là do, đơn giá xuất khẩu các sản phẩm dệt may, gỗ, gốm mỹ nghệ, cà phê, cao su đều giảm so cùng kỳ do bị áp lực cạnh tranh, cụ thể: giá xuất khẩu cà phê bình quân khoảng 1.675 USD/tấn, giảm 15,7% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu cao su khoảng 1.428 USD/tấn, giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù kỳ vọng đem lại lợi thế lớn cho ngành dệt may (là một ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của tỉnh) nhưng đến nay chưa có hiệu lực. Trong khi đó, các nước không phải thành viên TPP đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành dệt may nội địa nhằm nâng sức cạnh tranh. Hiện hàng dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Lào, Indonesia…
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh 9 tháng đầu năm đạt 9,58 tỷ USD, giảm 0,1% so cùng kỳ và đạt 68% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm 2016 đạt 12,95 tỷ USD, tăng 1,6% so năm 2015. Chủ yếu là nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, dự kiến lượng và giá trị nhập tăng nhẹ so cùng kỳ: xơ sợi, vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; phân bón các loại....
Nguồn Báo Công Thương điện tử