Kiểm soát thực phẩm bẩn còn hạn chế
Trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra và phát hiện xử lý 2.627 vụ vi phạm về hàng hóa, xử phạt hành chính gần 283 tỷ đồng. Theo đó, các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá, bột ngọt, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... Trong đó, số lượng các mặt hàng thực phẩm bị phát hiện làm giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm số lượng khá lớn, như: bột ngọt phát hiện hơn 1.800 gói bị làm giả; nước mắm phát hiện 169 chai bị làm giả; hơn 5.400kg thịt heo, 1.800kg nội tạng heo, bò không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, những kết quả nói trên đã phần nào nói lên sự nỗ lực của các ngành liên quan. Tuy nhiên việc kiểm soát thực phẩm bẩn vẫn chưa được thực hiện quyết liệt. Mặc dù Tỉnh ủy đã có chỉ đạo cụ thể trong 6 tháng đầu năm phải tập trung quyết liệt việc kiểm soát thực phẩm bẩn tại các chợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Hiện vấn đề gây bức xúc nhất tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh thành khác là vệ sinh an toàn thực phẩm và tình trạng sản xuất các mặt hàng vật tư nông nghiệp giả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, những vấn đề này tại Đồng Nai lại chưa được quan tâm kiểm soát đúng mức. Ông Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu Sở Khoa học - Công nghệ cần khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư trang bị máy móc để phân tích, kiểm tra chất lượng các mặt hàng thực phẩm cũng như các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi nó liên quan trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày cũng như sức khỏe của người dân.
Công khai danh tính, địa chỉ các cơ sở sản xuất hàng gian, hàng giả
Theo ông Trần Văn Vĩnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. “Chúng ta cứ bảo người dân đừng mua hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhưng vấn đề là làm sao người dân biết được đó là hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Cái gốc phải xử lý là ngăn chặn bằng được các cơ sở sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Chính vì vậy, ông Trần Văn Vĩnh yêu cầu trong thời gian tới phải công khai danh sách, địa chỉ doanh nghiệp, tên, tuổi của chủ doanh nghiệp làm hàng gian, hàng giả, kém chất lượng trên cổng thông tin của Sở Thông tin - Truyền thông để nhiều người biết. Cần công khai danh tính, địa chỉ, tên giám đốc doanh nghiệp để người dân và các cơ quan quản lý biết, tránh tình trạng cơ quan kiểm tra cứ bắt trong khi cơ quan cấp phép vẫn cứ cấp giấy phép kinh doanh.
Ông Trần Văn Vĩnh lưu ý, Ban chỉ đạo 389 tỉnh cần kiện toàn lại hoạt động của đường dây nóng, phải đảm bảo có người trực 24/24 giờ; đồng thời, cũng phải mở rộng cách thức tiếp nhận thông tin của đường dây nóng. Theo đó, người dân có thể báo tin bằng cách gọi điện, gửi tin nhắn, thư điện tử, thư tay. Đặc biệt, thông tin danh tính người báo tin phải tuyệt đối được bảo mật.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét rút giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp có hành vi sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, khi phát hiện vụ việc phải truy cho được nguồn gốc sản xuất của các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng ở đâu để giải quyết tận gốc. Ông Trần Văn Vĩnh yêu cầu Ban chỉ đạo 389 tỉnh rà lại những vụ việc lớn đã phát hiện trong 6 tháng qua, tiến hành truy lại nguồn gốc, nơi sản xuất, doanh nghiệp sản xuất để giải quyết triệt để.
Nguồn Báo Công Thương điện tử