Thứ Sáu, 22/11/2024 17:55:49 GMT+7
Lượt xem: 1359

Tin đăng lúc 15-10-2022

Đồng Nai: Tìm hướng đi phát triển bền vững cụm công nghiệp

Đi cùng với đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) hiện đại thì việc đầu tư hệ thống cụm công nghiệp (CCN) được đánh giá là rất quan trọng bởi các CCN đóng vai trò sắp xếp, di dời, quy hoạch các dự án sản xuất của doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực tập trung, DN ít có điều kiện vào khu công nghiệp, tạo nên sự phân bổ hợp lý phát triển công nghiệp của địa phương.
Đồng Nai: Tìm hướng đi phát triển bền vững cụm công nghiệp

Trên thực tế, Đồng Nai dù đã có hàng chục ngàn DN hoạt động song hầu hết các DN đang ở quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ (hơn 95%), nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Hệ thống KCN đã cung cấp cho các dự án lớn, nhà đầu tư nước ngoài và một số DN có đủ thực lực vào thuê đất sản xuất nhưng hầu hết các DN còn lại rất khó khăn.

 

CCN được đầu tư nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn theo quy định cho các DN nhỏ và vừa, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để bố trí di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung vào CCN. Cụ thể là thu hút các cơ sở sản xuất, các DN nhỏ và vừa, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, hình thành mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp tỉnh theo định hướng và mục tiêu đề ra.

 

Thực hiện mục tiêu trên từ 10 năm qua, Đồng Nai đã tiến hành sắp xếp, quy hoạch, phân bố lại các CCN nhằm thu hút ngày càng nhiều DN quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, làm cơ sở thu hút, sắp xếp và di dời DN thứ cấp. Đến thời điểm hiện tại, sau khi rà soát và giữ lại 27 cụm thì trong đó 15 cụm có nhà sản xuất đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các dự án thứ cấp khi đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm số lượng lớn, góp phần giải quyết căn bản tình trạng thất nghiệp tại khu vực nông thôn.

 

Mặc dù quá trình đầu tư, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những hiệu quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu hút nhà đầu tư dự án hạ tầng. Việc thu hút đầu tư hạ tầng CCN còn chậm do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó với mức đầu tư lớn trên phần diện tích tương đối khiêm tốn nên không nhiều DN theo đuổi. Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ DN khi triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng chung nhưng chỉ đáp ứng một phần nhất định.

 

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, trước đây với mỗi dự án hạ tầng, các nhà đầu tư có thể được hỗ trợ tối đa 20 tỷ đồng từ Nhà nước song vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều. Nguyên nhân bởi giá đất trên thị trường giai đoạn này tăng cao, nhiều đơn vị đã đến tìm hiểu rồi rời đi. Từ cuối năm 2021, tỉnh đã nâng mức hỗ trợ tối đa lên 50 tỷ đồng/dự án với mong muốn sẽ tạo khích lệ hơn cho các nhà đầu tư.

 

Bên cạnh vấn đề kinh phí, có những rào cản khiến DN ngán ngại là thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp, chậm; một số khu vực quy hoạch lại chưa thực sự thuận lợi...

 

Để phát triển bền vững, cần thiết phải tìm ra hướng đi, có chính sách hấp dẫn hơn nhằm tìm kiếm nguồn lực đầu tư hạ tầng, thu hút DN vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ mục tiêu quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

 

Theo đó, Đồng Nai đang ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành mũi nhọn như: Cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông; công nghiệp chế biến nông sản, dự án công nghiệp sạch thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phù hợp với quy hoạch vùng Đông Nam bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư hạ tầng cũng như thu hút DN vào CCN. Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều buổi làm việc với các địa phương, nhà đầu tư tại từng địa bàn nhằm nắm bắt khó khăn, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Vấn đề là phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng tại các cụm đã có sản xuất hiện hữu, cùng với đó là phát triển phải bền vững.Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, với một số CCN trên địa bàn đã có DN sản xuất hiện hữu nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí về môi trường thì phải nhanh chóng hoàn thiện, không tiếp nhận dự án thứ cấp mới khi chưa hoàn thành nhiệm vụ này.

 

Trong tương lai, định hướng phát triển CCN của tỉnh cũng dựa trên tính chất ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực; có tính liên kết trong chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ và có sự tương đồng về mục tiêu ngành nghề với các khu công nghiệp lân cận; gắn với việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

 

Minh Hiếu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang