Thứ Sáu, 22/11/2024 15:41:18 GMT+7
Lượt xem: 2928

Tin đăng lúc 06-10-2016

Đồng Tháp: Công tác khuyến công hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp

Nhiều năm qua, công tác hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công (KC) đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đồng Tháp: Công tác khuyến công hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp
Máy gặt đập bắp tại Đồng Tháp

Cụ thể, từ nguồn kinh phí KC quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp (TTKC) đã tập trung hỗ trợ 3 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật công nghệ mới; 5 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất; 2 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất máy gặt đập liên hợp và xây dựng lò hơi có hiệu suất cao tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm chất đốt. Ngoài ra, TTKC cũng đã thực hiện các nội dung khác như: Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về khởi sự doanh nghiệp; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo ngành công nghiệp hỗ trợ cho các cán bộ quản lý; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB)…

 

Từ năm 2011-2015, toàn tỉnh có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, 7 sản phẩm cấp khu vực và 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia. Việc phát triển sản phẩm CNNTTB đã củng cố và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là các làng nghề truyền thống, giúp các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản lý mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, từ đó hỗ trợ đắc lực trong việc giới thiệu sản phẩm, nỗ lực tìm kiếm thị trường, gặp gỡ đối tác để quảng bá hình ảnh đặc trưng của từng DN nói riêng và cả tỉnh nói chung.

 

 Điển hình trong số này là các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất khô từ nguyên liệu cá (Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp, huyện Tam Nông); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất củi trấu viên (Doanh nghiệp tư nhân Thanh Bình, huyện Lấp Vò); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất bánh hỏi và bánh tráng (Công ty CP thực phẩm Bích Chi, TP.Sa Đéc); Đề án “Hỗ trợ máy móc, thiết bị công nghệ cho sản xuất cơ khí tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013- 2015” tại huyện Tháp Mười và “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hỗ trợ cho làng nghề sản xuất bột” tại huyện Châu Thành và TP.Sa Đéc.

 

Thời gian qua, TTKC cũng rất tích cực phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Đây là chương trình thật sự cần thiết cho người làm công tác quản lý, đội ngũ lao động, chương trình nhằm giúp nâng cao năng lực hoạt động trong hội nhập kinh tế, những thách thức và cơ hội phát triển đối với DN, xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường..., góp phần tháo gỡ khó khăn trong quản lý, điều hành đơn vị, đồng thời nâng cao tay nghề.

 

Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt là 26,3 tỷ đồng sẽ được TTKC tập trung vào một số nội dung như: Nâng cao năng lực quản lý; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án khuyến công có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghê mới; đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn có ngành nghề và quy mô phù hợp; củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động khuyến công./.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang