Đồng Tháp hiện có 15 CCN có quyết định thành lập (12 CCN đi vào hoạt động), trong đó có 06 CCN được đầu tư cơ bản về hạ tầng với diện tích 169,93ha. Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư phát triển các CCN, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay tại Đồng Tháp đang có nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào CCN mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; việc lập và phê duyệt dự án hạ tầng tại một số địa phương thời gian qua còn chậm; địa điểm quy hoạch CCN không còn hấp dẫn... Bên cạnh đó, vẫn còn những trở ngại do năng lực một số nhà đầu tư hạ tầng còn yếu, tiến độ xây dựng và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN chưa đạt yêu cầu.
Để gỡ khó cho các DN, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư phát triển các CCN, trong đó có các giải pháp về hỗ trợ bồi thường và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí thuê đất, qua đó đã phát huy những tác động tích cực.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu năm 2020 toàn tỉnh sẽ thành lập 30 CCN, đồng thời để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thu hút đầu tư, phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo năng lực sản xuất mới, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành chính sách mới về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 231/2019/NQ - HĐND ngày 2/4/2019 của UBND tỉnh. Nghị quyết này ra đời chủ yếu dựa trên cơ sở các Nghị định, Thông tư của TW và giải pháp, kinh nghiệm đã thực hiện hiệu quả các CCN trước đó. Đồng thời quy định cụ thể nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm tạo điều kiện pháp lý cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư hạ tầng CCN.
Cụ thể, chủ đầu tư hạ tầng CCN sẽ được hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết theo dự toán được phê duyệt (tối đa 500 triệu đồng/CCN); hỗ trợ 30% tổng chi phí xây dựng các hạng mục của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN (không quá 35 tỷ đồng/CCN). Về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư hạ tầng được hỗ trợ tùy theo từng khu vực, với từng mức hỗ trợ kinh phí lần lượt là 35% - 30% - 25%. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện di dời khi thực hiện di dời vào CCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, xây dựng cơ sở là 30.000 đồng/m3.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: Với chính sách mới này, doanh nghiệp đầu tư vào các CCN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi lớn về kinh phí quy hoạch chi tiết; hạ tầng ngoài hàng rào CCN; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong CCN; về hỗ trợ chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng sẽ chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời áp dụng linh hoạt nhiều chính sách của Trung ương và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư vào các CCN tỉnh.
Hồng Trường