Là một trong những DN được hỗ trợ nguồn kinh phí KC địa phương, Công ty TNHH Cơ khí Phước Lụa, huyện Lai Vung mạnh dạn đầu tư máy cắt CNC Fiber Laser EMC-2060 Basic 3.000W vào SX máy xát trắng gạo, băng tải - gàu tải, hệ thống silo chứa. Máy cắt CNC không chỉ giúp DN nâng cao hiệu suất công việc tại nhà xưởng mà còn giúp cho các sản phẩm chế tạo đạt độ chính xác lớn, độ bền cao, cạnh tranh tốt trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng.
Ông Ngô Minh Lụa - Cố vấn Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Phước Lụa, huyện Lai Vung tâm sự: “Gắn bó với nghề SX máy móc thiết bị phục vụ ngành chế biến gạo xuất khẩu, tôi hiểu được những khó khăn của các DN chế biến và xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc nâng cao hiệu suất máy móc nhằm tăng sản lượng, giảm chi phí được xem là yếu tố tiên quyết để ngành chế biến và xuất khẩu gạo phát triển bền vững. Hiểu được khó khăn của các đối tác, năm 2023 được sự hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến từ nguồn KC địa phương, DN mạnh dạn đầu tư máy cắt CNC Fiber Laser EMC-2060 Basic 3000W vào SX máy xát trắng gạo, băng tải - gàu tải, hệ thống silo chứa, với tổng chi phí đầu tư trên 1,1 tỷ đồng, trong đó, DN được hỗ trợ từ nguồn KC địa phương là 300 triệu đồng”.
Tương tự, ông Phạm Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức (Khóm 1, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng), cũng là doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến từ chương trình khuyến công, vô cùng phấn khởi chia sẻ: Từ sự trợ lực kịp thời từ nguồn kinh phí khuyến công đã tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, để chúng tôi có điều kiện tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng, phục vụ cho người tiêu dùng nội địa... Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh sẽ là hướng đi tất yếu để sản phẩm của doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài”.
Thời gian qua, bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, ngành Công Thương Đồng Tháp đã quan tâm, dành nhiều chương trình hỗ trợ tạo động lực thúc đẩy ngành cơ khí phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cơ khí trên thị trường. Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ. Đây được xem là đòn bẩy để các DN cơ khí mạnh dạn hơn trong việc nghiên cứu, phát triển nhiều dòng máy móc thiết bị phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Chắc chắn, với đòn bẩy từ hoạt động khuyến công, các DN, cơ sở công nghiệp cơ khí vừa và nhỏ sẽ tiếp tục có cơ hội bứt phá phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ thị trường trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra quốc tế.
An Nhi