Trong hành trình đi tới thành công đó có sự đóng góp của Công ty CP Sản xuất Biến thế HBT Việt Nam (HBT) – Đơn vị đóng vai trò cung cấp bộ nguồn nuôi cho đầu Plasma, làm nền tảng quan trọng góp phần hoàn thiện mô hình công nghệ hiện đại nhất trong giai đoạn hiện nay.
Trước tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe con người,do các loại chất thải sinh hoạt, độc hại thải ra môi trường ngày càng nhiều. Trong khi đó, rác thải hiện chỉ được xử lý bằng các phương pháp truyền thống như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt… gây nhiều trở ngại như chiếm diện tích mặt bằng lớn và những thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường, đồng thời phải mất nhiều thời gian phân loại rác đầu vào, hoặc trong quá trình xử lý gây phát tán các chất độc hại đến sức khỏe con người… Chính vì vậy mà công nghệ Plasma ra đời là giải pháp tối ưu nhất cho việc xử lý rác thải mà vẫn bảo vệ môi trường hiệu quả.Đây là một trong những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong cuộc cách mạng 4.0 phát triển.
Công nghệ Plasma là công nghệ dựa trên dòng Plasma ở nhiệt độ từ 10.000 đến 20.000°C. Ở nhiệt độ đó, tất cả các phân tử cồng kềnh hữu cơ đều được phân tách thành phân tử đơn giản và vô cơ. Điều đặc biệt là công nghệ này giúp xử lý triệt để các loại chất độc có trong rác thải, không phát sinh ra môi trường các chất khí độc hại như Dioxin và Furan (nguồn gốc gây ra các bệnh ung thư) như trong các quá trình đốt bình thường và hạn chế tối đa được lượng tro xỉ sau khi đốt rác, đồng thời thực hiện chu trình biến rác thải thành tài nguyên có giá trị, tức là tạo ra điện năng. Ngoài ra, công nghệ xử lý rác bằng Plasma sẽ đặt nền móng cho việc hình thành một ngành công nghiệp hoàn toàn mới – công nghiệp tái chế rác để thu hồi tài nguyên quý hiếm, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.Ưu điểm của công nghệ này còn có thể xử lý được cả các loại rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải điện tử có lẫn kim loại nặng...
Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Biến thế HBT Việt Nam - Nguyễn Đăng Quân và Chủ tịch VinIT theo dõi quá trình thử nghiệm hoàn thiện của đầu phát Plasma vào ngày 4/10
Chính từ những lợi ích đó mà tháng 4/2019, Viện Công nghệ VinIT bắt đầu triển khai Dự án chế tạo và thử nghiệm đầu đốt Plasma nhiệt. Để làm được điều này, chắc chắn phải có sự hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện trong nước và không phải ngẫu nhiên mà cái tên HBT lại “nằm trong tầm ngắm”, được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của VinIT “chọn mặt gửi vàng“. Có lẽ chính bởi sự uy tín, chất lượng và thương hiệu của HBT đã tạo nên cái “bắt tay” hợp tác để triển khai thực hiện dự án “có một không hai” tại nước ta trong thời điểm hiện nay. Sở dĩ nói như vậy bởi trên thế giới, Việt Nam hiện nằm trong nhóm rất ít các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada, Nga,… đã nghiên cứu và chế tạo thành công công nghệ này, đồng thời “đốt cháy” được giai đoạn nghiên cứu cơ bản để đi thẳng vào nghiên cứu ứng dụng dưới sự nghiên cứu phối hợp của các chuyên gia VinIT và quốc tế. Trong đó, HBT được lựa chọn là đơn vị đảm nhiệm phần chế tạo bộ nguồn nuôi cho đầu phát Plasma công suất lớn 400 kW.
Nói về quá trình hợp tác khởi đầu của VinIT và HBT, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT – người đặt nền móng cho công nghệ Plasma trong xử lý rác thải bày tỏ: “Hệ thống thử nghiệm đầu Plasma trong xử lý rác thải sinh hoạt với công suất lớn 400 kW mà chúng tôi thiết kế đã được thử nghiệm thành công nhờ sự phối hợp của HBT. Đây là một doanh nghiệp uy tín trong thị trường cơ khí điện, bằng việc sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại cùng nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao, HBT đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong quá trình hoàn thiện nghiên cứu, nhờ đó đầu phát Plasma nhiệt đã hoạt động thành công chỉ sau lần thử nghiệm đầu tiên. Điều này cũng đánh dấu một sự khởi đầu thuận lợi, làm cơ sở cho quá trình hợp tác lâu dài giữa hai bên. Thành công này có thể nói là rất quan trọng vì nó mở ra một triển vọng mới, giải quyết tốt bài toán môi trường, rác thải ở Việt Nam”.
Công nghệ chế tạo đầu đốt Plasma được VinIT và HBT phối hợp triển khai chỉ sau 4 tháng đã được thử nghiệm thành công
Nếu như công nghệ chế tạo đầu đốt Plasma phải mất tới khoảng 5 năm nghiên cứu mới có thể thử nghiệm tại Nga, thì tại Việt Nam, mô hình công nghệ hiện đại này chỉ sau 4 tháng triển khai đã thành công ngoài mong đợi dưới sự phối hợp của VinIT và HBT. Đó là vào ngày 22/8/2019, lần đầu tiên công nghệ Plasma được thử nghiệm thành công, đồng thời hoàn thiện thử nghiệm vào ngày 04/10, nhằm mục đích kiểm tra tính ổn định hệ thống đầu phát Plasma và bộ nguồn nuôi sau khi có những điều chỉnh thích hợp về các thông số kỹ thuật đầu phát và thay đổi vị trí đặt hệ thống.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Quân - Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Biến thế HBT Việt Nam cho biết: “Dưới góc độ của một nhà đầu tư, một doanh nghiệp, ngay từ trước khi bắt tay cùng Viện Công nghệ VinIT nghiên cứu, tôi thấy dự án này sẽ rất khả thi nếu ứng dụng tại Việt Nam, vì đây là công nghệ hiện đại đang được các nước trên thế giới sử dụng cao. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà khoa học chính là mối liên kết hợp lý để đề tài khoa học được vào thực tiễn nhanh nhất. Dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ Plasma cho xử lý rác thải của liên danh Công ty CP Sản xuất Biến thế HBT Việt Nam và Viện Công nghệ VinIT chính là sự phối hợp lý tưởng để những đề tài khoa học như vậy được áp dụng vào thực tế một cách nhanh nhất. Chúng tôi hợp tác trên cơ sở tạo ra một sản phẩm chung có ích cho xã hội, đó là nhiệm vụ cao cả mà HBT hướng tới”.
Nguyễn Hoa