Hiện có 4 đơn vị trong nước đang nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19, trong đó 2 đơn vị đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ để được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, với nhóm nhỏ người được tiêm.
Nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng đạt yêu cầu qua các giai đoạn, hoàn thành trong năm 2021, dự kiến đầu năm 2022 Việt Nam sản xuất vắc xin này.
Các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 của Việt Nam đã chuẩn bị cho việc sản xuất quy mô đến 30 triệu liều vắc xin Covid-19/năm trong giai đoạn 2021 - 2022.
Tính đến 6 giờ ngày 12/11, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, tổng số ca mắc vẫn là 1.252 ca. Trong đó có 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 19 ca, lần 2 là 12 ca, lần 3 là 11 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.091 ca.
Trong một buổi làm việc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới làn sóng dịch tăng rất mạnh trở lại, vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng thành vô nghĩa.
Phó Thủ tướng cho rằng, lúc này giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, chúng ta phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và rộng ra toàn xã hội.
Chúng ta phải thực hiện thật nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly nghiêm ngặt. Khi hết thời hạn cách ly tập trung, người nhập cảnh phải được theo dõi y tế ít nhất 14 ngày sau đó. Chúng ta không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo.
“Chúng ta phải làm tinh thần cảnh giác rất cao. Lúc tình hình dịch thì nhắc nhau phải bình tĩnh, khi tình hình tốt thì nhắc nhau phải cảnh giác”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Theo đánh giá của các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo thế giới đang đứng trước một đợt bùng phát dịch dài. Ở trong nước, mặc dù tình hình dịch đang được kiểm soát tốt nhưng vấn đề đặt ra là làm sao siết lại tinh thần chống dịch, đặc biệt không được mất cảnh giác khi mùa đông sắp đến, nhất là ở miền Bắc, là điều kiện rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết dịch bệnh bên ngoài đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nước đã bắt buộc công dân ra ngoài phải đeo khẩu trang. Trước tình hình này, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác và phải quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như trong thời gian qua.
Đặc biệt chú trọng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồngvới Thông điệp 5K của Bộ Y tế là “Khẩu trang-Khử Khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập đông người-Khai báo y tế”, trong đó đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng hàng đầu phòng, chống COVID-19.
“Thời gian qua nhiều địa phương đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là quy định của TP.HCM khi bắt buộc người dân đeo khẩu trang, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm. Những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… cũng cần áp dụng biện pháp buộc người dân phải đeo khẩu trang, và xử phạt nếu vi phạm như TP.HCM. Chúng tôi sẽ xây dựng những hướng dẫn rất cụ thể như khi nào, ở đâu, trường hợp nào buộc phải đeo khẩu trang để người dân thực hiện đúng nơi, đúng lúc, hiệu quả nhất trong phòng chóng dịch bệnh”, ông Đặng Quang Tấn cho biết.
Theo Enternews