Thứ Sáu, 22/11/2024 14:36:51 GMT+7
Lượt xem: 2829

Tin đăng lúc 30-10-2016

Du lịch Thanh Hóa: Hội tụ và tỏa sáng

Được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất “địa linh nhân kiệt”, lại ẩn chứa trong mình bao nhiêu thắng cảnh và di tích nổi tiếng, làm mê đắm lòng bao “tao nhân mặc khách” khi đến và dừng chân tại Xứ Thanh. Những tiềm năng quý giá ấy đã được chính quyền các cấp và ngành Du lịch làm bật dậy từng ngày, đang hiện rõ bức tranh du lịch toàn cảnh của tỉnh, có sức hút và hấp dẫn với những gam màu tỏa sáng lung linh hiện thực.
Du lịch Thanh Hóa: Hội tụ và tỏa sáng
Khu biệt thự xinh đẹp (FLC L’Amoura) tại Thanh Hóa

Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thanh Hóa đã được xác định là vị trí quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Là địa phương có lợi thế về giao thông, cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây, Côn Minh - Hải Phòng và là trục giao lưu nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, Nam Bộ cùng hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, từ các bãi biển nổi tiếng của miền Bắc như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống sông ngòi đến những truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời và hệ thống di sản, di tích nổi tiếng trong cả nước, Thanh Hóa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu trong chất lượng dịch vụ du lịch. Du lịch Thanh Hóa hiện đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, với nhiều loại hình du lịch phong phú như du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch tín ngưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch MICE. Dịch vụ du lịch ngày càng phát triển phong phú, hấp dẫn với gần 700 cơ sở lưu trú du lịch, hàng ngàn nhà hàng ăn uống, mua sắm, các dịch vụ thể thao giải trí cao cấp…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tạo đột phá về lượng khách du lịch đến Thanh Hoá năm 2015 vượt ngưỡng 5,5 triệu lượt khách.

 

Có được kết quả khả quan nêu trên là nhờ có định hướng đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa trong việc xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển theo chiều sâu và bền vững, trên cơ sở khai thác tối đa giá trị tài nguyên, lợi thế để phát triển du lịch. Trên cơ sở định hướng đó, tỉnh đã tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

 

Với quan điểm “thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, thời gian qua tỉnh đã xây dựng hàng loạt các giải pháp chính sách về quy hoạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi đất đai; tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước tại các khu, điểm du lịch; chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề kết hợp với đào tạo phẩm chất, con người làm du lịch; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch bằng nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh khác nhau, xúc tiến có trọng tâm, có địa chỉ, bám sát nhu cầu của thực tế của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ; hỗ trợ hiệu quả trong việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, được xem là một cách hiệu quả để quảng bá về môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Do vậy trong những năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2015, các chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) của tỉnh Thanh Hóa đều tăng cao và nằm trong top 10 của cả nước.

 

Nhờ có những chính sách hợp lý, linh hoạt, hiệu quả nêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã và đang được biết đến như một điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư du lịch của cả nước. Tính đến nay, đã có gần 200 dự án du lịch đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 100.000 tỷ đồng, đáng chú ý với trên 40 dự án đang triển khai đã biến các khu vực ven biển tỉnh Thanh Hóa đã trở thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, với hệ thống khách sạn, biệt thự, resort đa dạng trải dọc bờ biển như: Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn; Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa); Khu du lịch biển Tiên Trang (Quảng Xương); Khu du lịch biển Hải Hòa (Tĩnh Gia)... Bên cạnh sản phẩm du lịch hấp dẫn, các dịch vụ giải trí, thể thao, chơi golf và các loại hình dịch vụ bổ trợ khác cũng đang thu hút mạnh du khách.

 

Một trong những dự án đầu tư vào du lịch tỉnh Thanh Hóa có tính điểm nhấn, chứng minh cho tầm nhìn và chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hoá trong thời gian qua là dự án sân Golf và khu biệt thự cao cấp FLC đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, gồm nhiều tổ hợp dịch vụ: Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Samson Residences; khu khách sạn Àlacater; bể bơi nước mặn ngoài trời rộng hơn 5.000 m2, hệ thống 152 bể bơi độc đáo cả trong nhà lẫn ngoài trời, sân golf 18 lỗ, khu nhà hàng, dịch vụ spa, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi,... Với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng, FLC Samson Beach & Golf Resort đang mở ra kỳ vọng phát triển cho ngành kinh tế du lịch Thanh Hóa không chỉ bởi tính chuyên nghiệp và đẳng cấp mà còn bởi khả năng thu hút khách du lịch quốc tế, khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển Thanh Hoá trong những tháng mùa đông.

 

Chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là tập trung thu hút đầu tư theo chiều sâu, các loại hình du lịch mà Thanh Hóa có lợi thế như: Du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch Mice, các khu du lịch trọng điểm quốc gia như: Hàm Rồng, Sầm Sơn, Lam Kinh, Bến En, thành Nhà Hồ và vùng phụ cận... Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để đón dòng đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đa dạng sản phẩm, khai thác tối ưu tài nguyên, lợi thế.

 

Với mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đón được 11.200.000 lượt khách, trong đó khách tham gia loại hình du lịch cộng đồng là 1.250.000 lượt khách, chiếm 11,1% tổng số khách du lịch cả tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2020 đón trên 42.300.000 lượt khách du lịch, khách quốc tế đạt 1.260.000 lượt khách. Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch Thanh Hóa đạt 20.500 tỷ đồng, tổng thu từ hoạt động du lịch cộng đồng đạt 1.500 tỷ đồng, chiếm 7,3% tổng thu du lịch cả tỉnh. Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2016 – 2020 đạt 59.850 tỷ đồng. Năm 2030 đón 16.500.000 lượt khách, khách tham gia loại hình du lịch cộng đồng du lịch 2.630.000 lượt, chiếm 15,9% tổng khách du lịch cả tỉnh. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung nhiều nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện trung du, miền núi có điều kiện phù hợp, cộng với các chính sách (cụ thể là dự án) về xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước được triển khai, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại miền núi, phù hợp với xu thế phát triển chung của du lịch cả nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu nội địa đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch Thanh Hóa.

 

Những thành quả đã đạt được trong công tác thu hút đầu tư, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính quyền và nhân dân Xứ Thanh, chắc chắn du lịch Thanh Hóa sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc và tỏa sáng trên con đường đi tới mục tiêu sớm trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

 

Ông Nguyễn Đình Xứng

Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang