Nằm ở phía nam vùng du lịch Bắc Bộ, với bờ biển dài 102 km, vừa có đồng bằng, lại có núi cao chạy nhô ra biển, tạo nên các vũng như vũng Gầm, vũng Thuỷ, vũng Biện… xen kẽ là các cửa lạch như Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép, đây là điều kiện tốt để tỉnh phát triển giao thông đường thuỷ và hiện đã và đang hình thành các cụm phát triển kinh tế nói chung và ngành Du lịch Thanh Hóa nói riêng. Biển còn đem lại cho Thanh Hoá nhiều điểm nghỉ mát nổi tiếng như Sầm Sơn, núi đá Hoa Cương Độc Cước, bãi cát trắng mịn, bờ thoải và rừng phi lao xanh mát. Ngoài ra còn một số bãi tắm khá lý tưởng khác đã và đang được đầu tư, khai khác đưa vào sử dụng như Quảng Vinh (Quảng Xương); Hải Tiến (Hoằng Hoá), Hải Hoà (Tĩnh Gia).
Thanh Hóa là địa phương có hệ thống di tích lịch sử không chỉ có giá trị đặc trưng mà còn phong phú về số lượng và thể loại. Toàn tỉnh có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh, trong đó có 789 di tích đã được xếp hạng (644 di tích cấp tỉnh; 145 di tích cấp quốc gia), đặc biệt có 01 Di sản Thế giới: Thành Nhà Hồ và 03 di tích cấp Quốc gia đặc biệt: Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Đền Bà Triệu).
Với những thế mạnh đó, trong hành trình du lịch xuyên Việt, Thanh Hoá được khẳng định là điểm dừng khá quan trọng, không chỉ vì tính chất trung chuyển mà còn vì sự hấp dẫn của chính vùng đất này. Ở đây du khách có thể đi thăm các điểm du lịch đặc sắc về sinh thái, lịch sử, văn hoá như Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương; du khách có thể tắm biển, thư giãn ở biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến; hoặc khám phá thiên nhiên khi đến Pù Luông, Bến En… Từ Thanh Hoá du khách có thể theo đường biển để thăm Vịnh Hạ Long hoặc xuôi vào Nam thăm Huế, Đà Nẵng, Hội An hoặc xa hơn. Du khách cũng có thể theo đường 217 để vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào và thăm các nước châu Á khác.
Ngành du lịch Thanh Hoá đã khẳng định được vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam với những lợi thế về địa lý, điều kiện phát triển và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và đặc trưng. Đây là lĩnh vực mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao dân trí, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành du lịch Thanh Hóa đang gặp phải một số trở ngại về điều kiện thời tiết khó khăn, tính mùa vụ cao, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế… dẫn đến sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để du lịch Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang tập trung rà soát, phân tích, nhận dạng đúng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, nhằm thực hiện thành công định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, từng bước đưa du lịch Thanh Hóa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, là trọng điểm du lịch quốc gia.
Bám sát định hướng đó, Thanh Hóa đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác qui hoạch phát triển du lịch của tỉnh: Qui hoạch xây dựng điểm du lịch Thanh Hóa trở thành điểm đến có sức cạnh tranh cao, bao gồm các tiêu chí phát triển cụ thể, định hướng phát triển Ngành, tổ chức không gian du lịch, cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch bảo đảm nguyên tắc phát triển bền vững, có tốc độ tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn và bảo vệ giá trị cảnh quan môi trường sinh thái, các giá trị truyền thống văn hóa của địa phương.
Hai là, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh: Để xây dựng hình ảnh điểm đến khác biệt, duy nhất, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành nghiên cứu xác định những đặc điểm và thế mạnh riêng của tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả từ lợi thế sẵn có để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch dã ngoại, du lịch hội nghị, hội thảo…; đẩy mạnh việc khai thác các loại hình du lịch làng nghề, khôi phục phố nghề, làng nghề du lịch, nghề dệt thổ cẩm, chế tác đá, đúc đồng, dệt chiếu cói, mây tre đan để phục vụ khách du lịch.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, thu hút khách và kêu gọi các nhà đầu tư: Xây dựng hình ảnh chung, duy nhất về du lịch Thanh Hóa, để giới thiệu với các nhà đầu tư và khách du lịch về thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa của địa phương. Tích cực hoạt động tư vấn và xúc tiến thông tin du lịch với các nhà đầu tư và khách du lịch, tham gia vào các hội nghị, hội thảo và hội chợ du lịch để tuyên truyền quảng bá cho tỉnh. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin trên mạng internet nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, đưa ra các quyết định đối với hoạt động phát triển thị trường du lịch.
Bốn là, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật du lịch: Để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển, Thanh Hóa tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư trên địa bàn, tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy. Xúc tiến nhanh dự án xây dựng các trạm dừng chân kết hợp khai thác, phục vụ du lịch trên tuyến quốc lộ 1A. Phát triển hệ thống giao thông thuận tiện nối các điểm du lịch, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh giao thông công cộng. Thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở vui chơi giải trí cao cấp, nhà hàng, khách sạn với tiêu chuẩn cao.
Năm là, xây dựng mối liên kết với các vùng, địa phương là trung tâm du lịch trong nước và quốc tế: Hình thành các tuyến du lịch trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc thù, kết nối các điểm du lịch quan trọng của tỉnh với trung tâm du lịch vùng như Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng du lịch Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Phát triển tuyến du lịch nội vùng: Hà Nội - Hải Phòng - Hà Nam - Thái Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa với các di tích và danh thắng ven biển Bắc Bộ…
Sáu là, nâng cao nhận thức về du lịch của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc củng cố, xây dựng và nâng cao hình ảnh, vị thế của Du lịch Thanh Hóa: Với giải pháp này, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tuyên truyền, lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt định kỳ, các chương trình đặc biệt nhằm nâng cao hiểu biết về du lịch và tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch, về văn hóa du lịch,về môi trường du lịch… để từ đó xây dựng hình ảnh du lịch xứ Thanh. Bảy là, áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch cho địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Với việc làm này, Thanh Hóa luôn sẵn sàng một lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng và trình độ cao, có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả đó, chắc chắn rằng ngành Du lịch Thanh Hóa sẽ gặt hái được những thành tựu lớn hơn nhiều, xứng đáng là nơi dừng chân hấp dẫn và lý tưởng của du khách muôn phương khi đến với xứ Thanh có nhiều ấn tượng đẹp đẽ, để rồi một lần hẹn mãi những lần sau.
PV