Thứ Sáu, 09/05/2025 20:16:43 GMT+7
Lượt xem: 468

Tin đăng lúc 07-05-2025

Phát triển du lịch tại làng hương Quảng Phú Cầu

Hiện nay, trung bình mỗi ngày làng hương Quảng Phú Cầu tiếp đón khoảng trên dưới 300 khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm; trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. Quảng Phú Cầu đã và đang trở thành điểm đến du lịch tiềm năng, hấp dẫn.
Phát triển du lịch tại làng hương Quảng Phú Cầu
Làng nghề hương Quảng Phú Cầu đã và đang được Thành phố Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện phát triển cả về hoạt động sản xuất và du lịch

Làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu có tuổi đời hơn trăm năm, nằm cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 35km. Nơi đây khắc họa rõ nét văn hóa làng quê Bắc Bộ với cảnh quan hữu tình, con người hồn hậu, cởi mở.

 

 

Những que hương đa sắc được bày trí bắt mắt tại điểm du lịch Quảng Phú Cầu tạo sức hấp dẫn với nhiều du khách nhất là khách quốc tế

 

Trước đây, xã Quảng Phú Cầu chỉ có một thôn làm nghề sản xuất tăm hương, nhưng sau đó nghề làm hương đã mở rộng ra khắp xã do nhu cầu của thị trường. Để có được làng hương Quảng Phú Cầu như ngày nay, phải kể đến công sức của những người thợ lành nghề đã cố gắng duy trì nghề truyền thống qua bao thế hệ. Với bàn tay, khối óc, tâm huyết của người làm nghề, nghề làm hương ngày một được nâng tầm, trở thành sinh kế của người dân Quảng Phú Cầu. Sản phẩm của Quảng Phú Cầu đi khắp các tỉnh thành trong nước và cả quốc tế. Sản phẩm chính của làng nghề chủ yếu là chân hương hay tăm hương, sau này để phục vụ nhu cầu thị trường, bà con mới làm thêm các sản phẩm khác như hương thành phẩm, tăm tre, que xiên, chổi tre…

 

 

 

Đến với điểm du lịch Quảng Phú Cầu, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động sản xuất hương của người dân địa phương

 

Để làm ra một que hương hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn. Từ chọn nguyên liệu, làm chân hương, nhuộm chân hương cho đến công đoạn xay bột thảo mộc rồi chuyển đến nơi se bột để làm nên thành phẩm cuối cùng. Tất cả đều được người thợ làm với sự khéo léo, tỉ mỉ. Trước đây, việc sản xuất hoàn toàn bằng thủ công. Nay để đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân đã áp dụng máy móc vào sản xuất, nhờ đó công việc cũng đỡ vất vả hơn.

 

Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh và được sử dụng nhiều trong đời sống người Việt, người Quảng Phú Cầu luôn chăm chút, cẩn thận trên từng công đoạn sản xuất để cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Sự chăm chút được thể hiện ngay từ khâu chọn nguyên liệu.

 

 

Cơ sở sản xuất hương Từ Bi, một trong những điểm đến du lịch của Quảng Phú Cầu. Tại đây du khách sẽ được trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất hương, trầm,... Ảnh chị Nguyễn Thu Phương, chủ cơ sở Hương Từ Bi

 

Nhằm tạo động lực để Quảng Phú Cầu phát huy giá trị nội sinh, gia tăng giá trị từ nghề sản xuất hương, cuối năm 2024, UBND TP Hà Nội đã công nhận "Điểm du lịch làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu", xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định tiềm năng và giá trị du lịch của làng nghề, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương...

 

Điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu có tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, có 6 thôn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Phú Lương Thượng và làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Phú Lương Hạ; Làng nghề sản xuất hương đen truyền thống thôn Xà Cầu; Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Đạo Tú; Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Cầu Bầu và làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Quảng Nguyên.

 

 

Hình ảnh người làm nghề tại Cơ sở sản xuất hương Từ Bi. Cơ sở sản xuất hương Từ Bi có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, là địa chỉ sản xuất, cung ứng hương uy tín, cũng là điểm du lịch trải nghiệm thú vị

 

Điểm du lịch làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có 22 công trình di tích, trong đó 8 di tích đã xếp hạng (4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích xếp hạng cấp thành phố). Ngoài ra đến với làng nghề, du khách cũng có thể thăm các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia như: Di tích lịch sử - văn hóa Đình Phú Lương; Chùa Bầu Bỏi; Di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Đình Quảng Nguyên; chùa Quảng Nguyên…

 

Đại diện UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển du lịch làng nghề. Hoạt động quản lý, kết nối du lịch được giao cho HTX. Tại điểm du lịch, thường trực có người đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ, nhất là phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách. Hiện nay, hàng tháng, Quảng Phú Cầu tiếp đón khoảng một vạn khách du lịch ở trong và ngoài nước. Quảng Phú Cầu đã và đang cố gắng để xây dựng điểm du lịch hấp dẫn và an toàn.

 

Chị Nguyễn Thu Phương, chủ cơ sở Hương Từ Bi chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thống làm hương, nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP. Trong sự phát triển chung của địa phương, chúng tôi cũng luôn cố gắng duy trì sản xuất kết hợp với du lịch trải nghiệm. Cơ sở của chúng tôi đã đón tiếp nhiều đoàn khách nước ngoài, học sinh đến trải nghiệm. Qua hoạt động trải nghiệm họ hiểu hơn về hoạt động sản xuất hương, từ đó góp thêm phần quảng bá du lịch địa phương.

 

Quảng Phú Cầu không chỉ là nơi sản xuất hương mà còn là nơi lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa phi vật thể quý báu. Việc phát triển du lịch giúp bảo tồn và phát huy những giá trị này, tránh khỏi nguy cơ mai một trong bối cảnh hiện đại hóa. Vẻ đẹp độc đáo của những sân phơi tăm hương rực rỡ sắc màu đã thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia và những người yêu thích khám phá văn hóa. Quảng Phú Cầu trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Hà Nội trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

 

Ngọc Minh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang