Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, phần lớn kim ngạch đạt được của hai tháng đầu năm nay đều đến từ các hợp đồng các doanh nghiệp đã ký kết từ cuối năm ngoái và đó cũng là cao điểm mà các doanh nghiệp ký kết đơn hàng. Còn nay, phần lớn doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này, nhất là những doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn về đơn hàng.
Theo các chuyên gia, rất khó để nhận định về tình hình của ngành trong năm 2021, bởi lẽ thị trường thế giới đang rất phức tạp, tín hiệu khôi phục chưa tốt, khách hàng chưa rõ nét. Đặc biệt, khả năng bị áp thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ vẫn đang bỏ ngỏ là những yếu tố không mấy tích cực tác động lên xuất khẩu của ngành. Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu bị đội lên ngày càng cao khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.
Năm ngoái, xuất khẩu giày dép đạt 16,5 tỷ USD, giảm 10% trong khi xuất khẩu vali, túi, cặp đạt khoảng 3,1 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2019.
Điều đáng nói, trong năm qua, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới và các chuỗi cung ứng thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng R&D và thiết kế. Cụ thể, trước đây các công ty nhãn hàng đều phải cử nhà thiết kế và chuyên gia qua Việt Nam, nhưng do dịch bệnh, các nhãn hàng đã phải duyệt mẫu qua online, sửa mẫu qua online…
Do tác động của dịch Covid-19, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu qui tắc xuất xứ…
Theo Vnbusiness