Sau khi chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang tiếp sức cho nông sản Hà Tĩnh mở đường “xuất ngoại”.
Thay đổi tư duy sản xuất
Giám đốc Hợp tác xã Chế biến thủy, hải sản Phú Khương, Lê Thị Khương cho biết: năm 2018, sản phẩm nước mắm của Hợp tác xã Chế biến thủy, hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) là một trong 6 sản phẩm tham gia “sân chơi” OCOP Hà Tĩnh và được công nhận 3 sao.
Đây cũng là năm đầu tiên Hà Tĩnh triển khai chương trình OCOP. Từ chỗ chỉ 1 sản phẩm tham gia, đến nay, Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Phú Khương có thêm 2 sản phẩm được công nhận 3 và 4 sao. Hiện đơn vị đang hoàn tất hồ sơ để sản phẩm nước mắm Phú Khương được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Theo bà Lê Thị Khương, điều quan trọng nhất từ khi tham gia OCOP đến nay, hợp tác xã đã tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm theo “chuẩn OCOP”. Hợp tác xã đã đầu tư nhiều tỷ đồng để lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất, đóng chai, bao bì nhãn mác, cùng với đó, tập trung cao cho quy trình sản xuất an toàn và tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên thị trường. Nhờ đó, sản lượng và doanh thu của năm sau tăng hơn 20% so với năm trước. Dự kiến, với 200 nghìn lít nước mắm bán ra thị trường trong năm 2023, hợp tác xã sẽ thu về gần 5 tỷ đồng lợi nhuận.
Gắn bó với nghề chăn nuôi hươu từ lâu, tuy nhiên phải đến năm 2020, sau khi tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở Sơn Giang, Hương Sơn (Hà Tĩnh) mới mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và hoạt động như một doanh nghiệp.
Chị Hiền cho biết, năm 2020 được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị đã đăng ký tham gia chương trình OCOP, được dự các lớp tập huấn, nâng cao năng lực kinh doanh, tiếp cận thị trường, nhất là được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh để đầu tư, mở rộng dây chuyền sản xuất, chế biến theo hướng ứng dụng tối đa tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Từ một vài sản phẩm đơn thuần ban đầu, đến nay cơ sở chế biến nhung hươu của chị Hiền đã sản xuất được 6 sản phẩm từ nhung hươu, bình quân mỗi năm tiêu thụ gần 2 tấn nhung hươu, đưa giá trị sản xuất tăng 30% so với những năm trước đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng cho biết, nhận thấy tiềm năng và thế mạnh trên lĩnh vực chăn nuôi hươu của địa phương, giai đoạn 2015-2020, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn ban hành các chính sách phát triển, mở rộng quy mô đàn hươu trên địa bàn. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tổng đàn hươu của Hương Sơn đã tăng từ 36 nghìn con (năm 2019) lên hơn 43 nghìn con (năm 2023).
“Mặc dù số lượng, quy mô đàn hươu đã tăng trưởng theo dự báo, tuy nhiên hiệu quả kinh tế do chăn nuôi hươu mang lại chưa tương xứng với kỳ vọng. Một trong những lý do chủ yếu dẫn đến hạn chế này đó là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình chế biến còn thấp, người chăn nuôi chưa quan tâm đến thị trường, “đầu ra” cho sản phẩm. Vì vậy, địa phương xác định làm thế nào để thay đổi được tư duy khởi nghiệp, kinh doanh, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào mỗi sản phẩm là khâu then chốt quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Kiều Hưng chia sẻ.
Thông qua việc đẩy mạnh toàn diện chương trình OCOP, huyện Hương Sơn đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong mỗi người dân. Nhờ đó, 48 sản phẩm nông nghiệp của 29 cơ sở sản xuất trên địa bàn đã được công nhận thương hiệu, sản phẩm OCOP.
Đưa nông sản “xuất ngoại”
Gặp lại Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) Lê Văn Duẩn khi anh và các cộng sự của mình vừa đưa nhà xưởng sản xuất bánh đa rộng hơn 1.000m2, với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng vào hoạt động, anh Lê Văn Duẩn cho biết: Sau khi hoàn tất hệ thống thiết bị, dây chuyền, nhà xưởng, hợp tác xã sẽ chú tâm hơn vào việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cũng như tập trung thực hiện việc quảng bá thương hiệu trên các nền tảng thông tin và tham gia chương trình quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thương mại điện tử, đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Đây là năm thứ 3 sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm của hợp tác xã thực hiện việc “xuất ngoại”, chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước Châu Âu.
Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết đưa thương hiệu bánh đa vừng Nguyên Lâm vươn xa, các thành viên hợp tác xã cho biết, cùng với việc kế thừa phương thức sản xuất truyền thống và tận dụng được ưu thế của công nghệ, máy móc, thì nhiệm vụ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
Do đó, hợp tác xã đã thực hiện quy trình tuyển chọn nguyên liệu khá nghiêm ngặt. Gạo, vừng được lựa chọn từ những cánh đồng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
“Ngoài nguyên liệu chính là gạo và vừng được xay trộn với tỷ lệ nhất định, bánh đa Nguyên Lâm tạo nên sự khác biệt bởi một số gia vị đi kèm như: muối, tỏi, tiêu trộn đều với gạo, vừng trước khi tráng bánh”, anh Lê Văn Duẩn cho biết.
Là cơ sở sản xuất lâu đời tại địa phương, sản phẩm kẹo cu đơ Bà Hường (huyện Hương Sơn) được nhiều người dân trong tỉnh Hà Tĩnh biết đến, lựa chọn. Đặc biệt, từ cuối năm 2020, sản phẩm kẹo cu đơ Bà Hường được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, mở ra nhiều cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, từ đó học hỏi kinh nghiệm và ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, bắt kịp với nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, sức tiêu thụ tăng 30-40% so với trước đó.
Bà Hồ Thị Thuận, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh kẹo cu đơ Bà Hường chia sẻ, mỗi ngày cơ sở tiêu thụ khoảng 5.000 tấm kẹo cu đơ. Ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh, sản phẩm cu đơ đã có mặt tại cửa hàng nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội… Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, 50 thùng kẹo cu đơ với số lượng 24 nghìn cái của cơ sở đã được xuất khẩu sang châu Âu, mở ra cơ hội mới về mở rộng thị trường cho sản phẩm truyền thống của địa phương.
Chia sẻ về quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP mang thương hiệu, đặc sắc văn hóa địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban dân dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) Nguyễn Kiều Hưng cho biết, bên cạnh việc ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới nhằm tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú nâng tầm giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, địa phương rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu các cấp và chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện từ khâu xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất.
Nhờ kế thừa phương thức sản xuất truyền thống và tận dụng được ưu thế của công nghệ, máy móc, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có 6 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao bảo đảm các tiêu chuẩn để xuất khẩu gồm: Bánh ram Anh Thu (huyện Thạch Hà), Bánh ram Nam Chi-xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; Cu đơ Bà Hường (huyện Hương Sơn)-xuất khẩu sang thị trường Anh; Bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh)-xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản; sứa Mai Dung (huyện Thạch Hà)-xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; nước mắm Luận Nghiệp (Thị xã Kỳ Anh)-xuất khẩu sang thị trường Nga và đang hoàn thiện hồ sơ xuất sang Australia. Đây chính là "làn gió mới" đưa bản sắc văn hóa, thế mạnh của các vùng, miền ở Hà Tĩnh vươn ra biển lớn.
Hà Tĩnh hiện có 237 sản phẩm OCOP; trong đó có 11 sản phẩm 4 sao, 226 sản phẩm 3 sao.
Theo Nhandan