Trên toàn địa bàn huyện Đồng Văn hiện nay có 8 làng nghề truyền thống, chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng bao gồm: Làng nghề chạm bạc thôn Lao Sa, xã Sủng Là với các sản phẩm vòng, nhẫn, dây chuyền; Chế tác khèn Mông xã Hố Quáng Phìn; Làng nghề may, thêu, dệt thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn; Làng nghề may trang phục quần áo Tà Pủ dân tộc Mông thị trấn Phố Bảng; Làng nghề thêu, dệt thổ cẩm Lô Lô thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; Làng nghề làm hương sạch thôn Sính Thầu, xã Sảng Tủng; Nghề đan lát của dân tộc Cờ Lao thôn Mã Trề, xá Sính Lủng.
Tại hợp tác xã thôn Lô Lô Chải (Lũng Cú), không khí làm việc vui vẻ hòa chung với những tấm vải thổ cẩm tràn ngập màu sắc tạo nên một khung cảnh nên thơ, mang đậm hương vị miền quê cực Bắc của Tổ quốc. Những nghệ nhân luôn khéo léo, cầu kỳ trong từng công đoạn nhuộm vải, dệt, thêu… để tạo nên những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sự hỗ trợ về kinh phí của hoạt động khuyến công trung ương và địa phương đã tạo ra bộ mặt mới cho làng nghề truyền thống ở huyện Đồng Văn. Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn - chị Vương Thị Xuyến chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo tay nghề cho bà con; thành lập hợp tác xã, nhóm sở thích. Qua đó, nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ đã có tay nghề ổn định, có thu nhập tốt hơn. Để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, huyện đã chỉ đạo các Phòng: Kinh tế - Hạ tầng; Văn hóa - Thông tin; Tài chính - Kế hoạch và UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý các làng nghề. Hàng năm, thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí khuyến công để hỗ trợ và đầu tư cho các làng nghề phát triển.
Những sản phẩm của làng nghề truyền thống tại Đồng Văn không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày, mà còn mang giá trị cao về mặt văn hóa, góp phần tạo nên những nét rất riêng, gây ấn tượng mạnh với du khách khi đến mảnh đất này. Chính vì vậy, để đẩy mạnh phát triển các làng nghề, huyện Đồng Văn chủ trương gắn với phát triển du lịch. Đây là giải pháp hữu hiệu phát triển kinh tế - xã hội ở làng nghề truyền thống theo hướng bền vững. Ông Nguyễn Trung Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: “Đồng Văn đang thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, trong đó đặc biệt là chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống. Trước nguy cơ các nghề bị mai một, các nghệ nhân có tay nghề đã cao tuổi, huyện có kế hoạch mở các lớp truyền dạy nghề tại các xã, để các thế hệ trẻ có đam mê, yêu thích tìm hiểu, học tập và gìn giữ nghề. Các sản phẩm làng nghề chúng tôi hướng đến phù hợp với văn hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, nhu cầu sử dụng trong đời sống vì vậy rất được ưa chuộng”.
Trong điều kiện hiện đại, những nét văn hóa đang dần bị mai một, hòa tan với những sản phẩm công nghiệp hóa, việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống đặc trưng của địa phương là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết, không những cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương mà còn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngọc Bích