Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2018, nhưng điều khoản về Hiệp định sẽ có hiệu lực ngay từ ngày đầu tiên của Hiệp định. Trong khi đó, vào thời điểm này, quốc hội của nhiều nước thành viên vẫn còn chưa thông qua TPP và chưa biết bao giờ thì TPP mới chính thức có hiệu lực. EVFTA là Hiệp định tự do Thương mại thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa 85,6% tổng thuế, tương đương khoảng hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU, trong đó, đáng chú ý là các mặt hàng rau quả, túi xách… Ngoài ra, trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% dòng thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam (VN) cam kết xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực cho hàng hóa của EU thuộc 65% số dòng thuế, trong đó có một nửa các mặt hàng là dược phẩm, vải… Trong vòng 10 năm, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ trên 99% số dòng thuế với các mặt hàng của EU bao gồm ô tô, xe máy, đồ gia dụng, rượu vang, bia, rượu, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, sữa…
Về chỉ dẫn địa lý, VN bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU trong khi EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của VN, tất cả đều liên quan đến nông sản, thực phẩm…
EU cũng nhấn mạnh đến các cam kết của VN trong việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ. Theo đó, VN sẽ phải mở cửa cho các nhà thầu EU được đấu thầu công bằng và công khai trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường xá và cảng biển, phân phối điện và quản lý tàu hỏa trên toàn quốc, đặc biệt là các gói thầu của 34 bệnh viện công trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cơ hội đối với doanh nghiệp” được Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua có ý nghĩa quan trọng, đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và EU, các cơ quan quản lý nhà nước, viện, trường và các đơn vị có liên quan. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với vai trò Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA của VN cho biết, trong hơn một thập kỷ vừa qua, quan hệ thương mại - đầu tư giữa VN và EU đã có những bước phát triển vượt bậc. Giá trị thương mại hai chiều giữa VN và EU đã tăng gần 7 lần (từ khoảng 6,3 tỷ USD vào năm 2003 lên 41,2 tỷ USD vào năm 2015), đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của VN. Trong đó, xuất khẩu của VN sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào VN đạt hơn 10 tỷ USD.
EVFTA là một trong FTA đầu tiên mà EU đã ký với một nước đang phát triển như VN, đồng thời là FTA thứ 2 trong khối ASEAN, trước đó là Singapore. Ông Mauro Petriccione - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại, Ủy ban châu Âu - Trưởng phái đoàn đàm phán của EU cho biết: Đây là một mô hình, là một hiệp định thương mại tự do mậu dịch mới nhất mà chúng tôi tiến hành, Việt Nam quả thật đặc biệt trong con mắt của chúng tôi, đó là một đất nước thể hiện rõ sự hội nhập và là một ví dụ thành công về sự hội nhập… Chúng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng sẽ có một bộ Hiệp định tự do mậu dịch tương tự như vậy trên thế giới, nó sẽ đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta, VN sẽ có lợi ích khi là đối tác đầu tiên có hiệp định như vậy với EU.
Nhằm tận dụng những cơ hội từ FTA mang lại, doanh nghiệp VN có thể thu hút được FDI từ EU, đồng thời tăng số lượng các mặt hàng xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, sâu xa hơn phải tăng cường được vị thế của nền kinh tế, điều này chỉ có thể đạt được nếu chúng ta tận dụng cơ hội gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế nhằm thu hút được các nguồn nội lực để công nghiệp hóa, tạo ra sự đổi mới để thay đổi thể chế, gỡ bỏ được các rào cản, cũng như các nút thắt của nền kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế.
Cần rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết FTA VN – EU
Hiện nay, có tới trên 80% quy định của pháp luật VN hiện tại đã tuân thủ EVFTA, kết luận này được đưa ra sau khi Trung tâm WTO thuộc VCCI rà soát trên 5 lĩnh vực, đó là sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm công, minh bạch hóa và hải quan. Trên văn bản thì như vậy, tuy nhiên trong thực tế, không phải quy định nào cũng được thực thi ngay lập tức.
Bước vào FTA VN – EU, lần đầu tiên VN sẽ phải mở cửa thị trường mua sắm công cho các nhà thầu châu Âu. Dù đã nhiều năm gia nhập WTO nhưng VN cũng chỉ là quan sát viên và chưa từng thực hiện bất kỳ nguyên tắc quốc tế nào liên quan đến vấn đề này. Năm 2013, dự liệu trước tiến trình mở cửa, VN chủ động đưa các nguyên tắc mua sắm công vào luật đấu thầu, đến nay, những nội dung này hầu hết đều phù hợp với các cam kết FTA VN – EU.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO, VCCI: Cho đến bây giờ chúng ta chưa áp dụng các phương pháp quản lý chuyển giao hiện đại, chúng ta vẫn kiểm tra tất cả các lô hàng chứ không phải kiểm tra xác suất theo mức độ rủi ro, nhưng hiệu quả kiểm tra này lại chưa tốt, mặc dù đã kiểm tra hết, nhưng vẫn còn nhiều những lô hàng không đạt yêu cầu chất lượng hoặc những yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành, nhưng vẫn lọt vào thị trường và vẫn được tiêu thụ hàng ngày. Quá trình rà soát cũng cho thấy rất nhiều các cam kết của FTA VN – EU chính là cam kết TPP+, điều này có nghĩa, những cam kết dành cho TPP thì cũng phải dành cho EU, cụ thể như trong vấn đề bảo hộ đầu tư, nếu không thực hiện, Chính phủ VN có thể bị rơi vào các vụ kiện quốc tế.
Theo đại diện Trung tâm WTO, hiện nay ít nhiều vẫn còn tồn tại tâm lý cố gắng để sửa ít luật nhất có thể, tuy nhiên kinh nghiệm của quá trình thực hiện WTO cho thấy, nếu không có rà soát và sửa đổi luật pháp kịp thời sẽ khiến Chính phủ và doanh nghiệp lâm vào những tranh chấp mà không biết hỏi ai.
Tác động của FTA VN – EU đến nền kinh tế trong nước
EU đang là thị trường xuất khẩu dẫn đầu của VN đóng góp 16% GDP, với FTA VN – EU dự báo GDP sẽ tăng 2,7%/năm. VN đã xuất siêu 10 năm liên tiếp sang thị trường này, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch XK cả nước, EVFTA dự báo sẽ giúp tăng khoảng 4 – 6%/năm.
Năm 2015, Việt Nam XK 9,76 tỷ USD điện thoại di động và linh kiện điện thoại cho EU, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch XK. Ngoài ra nhóm 5 sản phẩm dẫn đầu kim ngạch XK của VN vào EU là giày dép (4,5 tỷ USD); may mặc (2,5 tỷ USD); cà phê (1,4 tỷ USD); Thủy sản (1,1 tỷ USD); Đồ nội thất (1 tỷ USD)...
Ở chiều nhập khẩu, hàng hóa EU mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh trực tiếp, chủ yếu là máy móc, thiết bị, hóa chất và các SP hóa chất, dược phẩm. Việc ký kết FTA sẽ giúp VN tiếp cận được công nghệ cao, hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến với thuế suất ưu đãi, dự báo thuế nhập khẩu từ EU vào VN tăng khoảng 3,1%/năm.
Theo bà Almut Roessner – GĐ Điều hành Eurocham, hiện nay số thành viên của EU đã tăng 10% so với thời điểm này năm ngoái, chúng tôi cũng ghi nhận rất nhiều DN châu Âu, đa số là DN vừa và nhỏ đang tìm hiểu thị trường và muốn đầu tư vào VN, ngoài lý do về môi trường đầu tư tại VN ngày càng thông thoáng và cởi mở, thì một lý do quan trọng khác là các DN này muốn đón đầu lợi ích mà EVFTA mang lại.
Để hỗ trợ DN thu được lợi ích từ EVTFA, Chính phủ sẽ tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ giúp các DN phát triển. Tuy nhiên, có nắm bắt được các cơ hội hay không đòi hỏi các DN cần phải nỗ lực và chủ động hơn nữa.
Nguyễn Hoa