Thông tin trên được các chuyên gia cho biết tại hội thảo EVFTA: Tác dộng thay đổi vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Euro Cham) phối hợp với Mạng lưới doanh nghiệp EU-Việt Nam (EVBN) tổ chức ngày 16/2.
Ông Francisco Fontan, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, EU đang tiến hành đàm phán hàng loạt các FTA với một số nước ASEAN nhằm đem lại cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp EU, trong số đó đàm phán với Singapore và Việt Nam đã kết thúc thành công.
Theo ông Francisco Fontan, EU luôn coi Việt Nam là đối tác tin cậy trong kinh doanh tại ASEAN. Việt Nam là nền kinh tế có nhiều triển vọng, đồng thời Việt Nam cũng có đóng góp rất quan trong vào tình hình an ninh, chính trị của khu vực ASEAN.
“Với FTA vừa được kí kết, cả Việt Nam và EU đều sẽ phải trải qua nhiều thách thức để có thể tận dụng lợi thế của Hiệp định. Tuy nhiên Việt Nam rất năng động và sáng tạo trong việc thích ứng với các yêu cầu mới và EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực thi FTA để mang lại hiệu quả cao nhất cho cả hai bên” - ông Francisco Fontan nói.
Ông Chris Humphrey, Giám đốc Điều hành Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN cho rằng, ASEAN có nhiều động lực để phát triển kinh tế, bên cạnh đó giai cấp trung lưu tăng nhanh giúp ASEAN có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất xe có động cơ. Tuy nhiên việc sản xuất này vẫn còn khó khăn do từng chính sách của từng quốc gia, chất lượng thành phẩm và hợp phần của sản phẩm không đồng nhất.
Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về thị phần sản xuất xe máy tốt hơn do dung lượng thị trường tiêu thụ lớn. Đối với ngành sản xuất ô tô, do hàm lượng nội địa còn thấp nên không hưởng lợi về thuế suất. Để tận dụng được cơ hội từ FTA các doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất được các hợp phần dành cho xe ô tô để tham gia vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm phương tiện vận chuyển có động cơ và tăng cường hàm lượng nội địa ngay cả đối với sản xuất xe gắn máy.
Đối với ngành dệt may, da giày, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu hai mặt hàng này nhưng tiêu thụ nội địa còn hạn chế. Thị trường nội địa của Việt Nam còn bị chiếm lĩnh bởi hàng của Trung Quốc, Thái Lan do còn yếu về nguyên, phụ liệu. Do vậy, việc tham gia vào các FTA sẽ giúp thị trường nội địa của ngành dệt may, da giày Việt Nam được mở rộng.
Có thể nói, việc tham gia vào EVFTA sẽ giúp cho vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN được nâng cao hơn và mang lại nhiều hi vọng cho các doanh nghiệp Việt trong sản xuất, xuất khẩu.
Nguồn Báo Công Thương