Thứ Hai, 25/11/2024 08:04:06 GMT+7
Lượt xem: 3555

Tin đăng lúc 06-11-2019

EVN lấy ý kiến góp ý về Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”

Ngày 05/11/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”.
EVN lấy ý kiến góp ý về Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”
Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương); Bộ Tài chính; Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; một số chuyên gia kinh tế phản biện, đại diện lãnh đạo EVN và các bộ phận, cơ quan hữu quan cùng nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản số 4256/BCT-ĐTĐL ngày 14/6/2019 về việc giao EVN xây dựng Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, đến nay, sau khi đơn vị tư vấn hoàn thành xây dựng nội dung Đề án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang khẩn trương triển khai các công việc tư vấn phản biện Đề án và lấy ý kiến rộng rãi của đại diện các Bộ ngành, các Hiệp hội, Viện nghiên cứu, cơ quan báo chí, khách hàng sử dụng điện về nội dung Đề án.

 

Tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội), chủ nhiệm Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” đã trình bày tổng thể về công trình nghiên cứu. Để thực hiện Đề án, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kinh nghiệm định giá điện của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan và các nước phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Úc. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam. Theo đó, Đề án đề xuất cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với 3 phương án: Phương án 3 bậc thang (Bậc 1 từ 0 - 100 kWh/tháng; Bậc 2 từ 101 - 400 kWh/tháng; Bậc 3 từ 401 kWh/tháng trở lên); Phương án 4 bậc thang (Bậc 1 từ 0 - 100 kWh; Bậc 2 từ 101 - 300 kWh; Bậc 3 từ 301 - 600 kWh và bậc 4 từ 601 kWh trở lên); phương án 5 bậc thang (Bậc 1 từ 0 - 100 kWh; Bậc 2 từ 101 - 200 kWh; Bậc 3 từ 201 - 400 kWh; Bậc 4 từ 401 - 700 kWh và Bậc 5 từ 701 kWh trở lên). Qua đó, đề xuất phương án 5 bậc thang có lý giải tiệm cận và phù hợp nhất với thu nhập của các hộ gia đình.

 

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi – Chủ nhiệm Đề án nhấn mạnh: “Phương án 5 bậc thang  phù hợp hơn cả với các mục tiêu khi định giá bởi: Hộ tiêu dùng bậc 101 - 200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Hơn nữa, việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay. Ngoài ra, 5 bậc thang sản lượng điện cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình…”.

 

Bên cạnh đó, Đề án cũng đề xuất Luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá. Cụ thể, Đề án đưa ra chu kỳ điều chỉnh giá theo phương án 6 tháng/lần. Thời điểm điều chỉnh có thể được lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biết về sản lượng. Kỳ điều chỉnh giá được đề xuất vào các ngày 1/3 và 1/9 hằng năm. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá cũng có thể diễn ra bất thường khi có sự biến động lớn về nguồn nguyên nhiên liệu, giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất điện.

 

 

Tham dự Hội thảo, GS. Viện sĩ Trần Đình Long đã đánh giá cao giá trị thực tiễn của Đề án và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Ông nhấn mạnh, tôi đồng quan điểm với nhóm nghiên cứu Đề án là cần phải Luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện. Bởi thị trường thay đổi hằng ngày thì cần có chu kỳ điều chỉnh cho phù hợp, đề xuất một năm 2 lần điều chỉnh là hợp lý.

 

“Cứ đến ngày thì EVN đề xuất, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xem xét, thông qua hoặc không thông qua. Và phải làm rõ cơ chế điều chỉnh giá, đầu vào như thế nào, tỉ giá ra sao, thời điểm điều chỉnh giá cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước” - GS. Viện sĩ Trần Đình Long phân tích.

 

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc xây dựng giá điện cần phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí cho người sử dụng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dùng điện, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện,… góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội đối với việc điều hành giá điện của Nhà nước.

 

Cùng với các ý kiến đóng góp nêu trên, Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến phản biện, góp ý của các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn hữu quan như: Giảng viên cao cấp Trần Văn Bình - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.  Trên cơ sở đó, EVN cũng như Đơn vị tư vấn cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án để sớm trình các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong thời gian tới.

 

Nam Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang