Trước dự báo khó lường của tình hình thời tiết năm 2016, EVNNPC đã đặt ra mục tiêu và giải pháp gì để phòng chống thiên tai, thưa ông?
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết luôn có diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ đối với hoạt động của ngành Điện nói chung và EVNNPC nói riêng. Trước đây, chúng ta chỉ nói đến câu chuyện phòng chống lụt bão thì bây giờ, còn phải lo đối phó với nắng nóng cực đoan hay tình trạng băng tuyết.
Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai luôn được EVNNPC chú trọng và ngày càng chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để ứng phó kịp thời; chủ động với những tình huống thiên tai xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại, khắc phục nhanh chóng sự cố.
Là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hệ thống lưới điện trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó 2/3 là các tỉnh trung du, miền núi – nơi chịu tác động mạnh nhất của thời tiết cực đoan. Do đó, EVNNPC luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động triển khai từ rất sớm từ việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng các phương án phòng chống; thành lập các đội xung kích; tổ chức diễn tập theo tình huống giả định...
Bên cạnh đó, EVNNPC cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát lưới điện, phát hiện và khắc phục khiếm khuyết, tồn tại trên lưới để vừa đáp ứng được việc cung ứng điện vừa tăng cường hệ thống điện trong thời điểm thiên tai; chuẩn bị xong vật tư dự phòng; bố trí lực lượng ứng trực để xử lý sự cố cấp điện trở lại cho người dân trong thời gian sớm nhất một cách an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến đối với người dân về công tác an toàn về điện trong mùa mưa bão.
Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc
Được biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương tiếp nhận lưới điện nông thôn, EVNNPC đã tiếp nhận lưới điện ở gần 4.000 xã. Tuy nhiên, hệ thống lưới điện tại những khu vực này hết sức lạc hậu, thô sơ. Ông có thể cho biết, EVNNPC đã có giải pháp gì để giảm thiểu tác động do mưa bão gây ra tại khu vực này?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, 7 năm qua, EVNNPC đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở gần 4.000 xã với lưới điện cũ nát, xây dựng từ rất lâu. Do đó, áp lực đảm bảo an toàn điện trước, trong và sau mưa bão là rất lớn đối với tổng công ty. Thời gian qua, EVNNPC đã tiến hành song song việc thu xếp vốn để đầu tư, cải tạo nâng cao hệ thống lưới điện hạ áp sau tiếp nhận để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật vận hành, đảm bảo an toàn, đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn tự có như vốn sửa chữa lớn, vốn thường xuyên... để khắc phục ngay những điểm xung yếu, có khả năng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong dân.
Bên cạnh đó, EVNNPC cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, cảnh báo các mức độ an toàn trong mùa mưa bão.
Riêng hệ thống lưới điện trên các đảo, EVNNPC đã có giải pháp như thế nào để đảm bảo việc cung ứng điện trong mùa mưa bão, thưa ông?
Phải khẳng định rằng, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại tất cả các đơn vị đều được quan tâm và coi trọng như nhau. Tuy nhiên, với đặc thù của từng địa phương và địa bàn, các công ty điện lực của EVNNPC sẽ có những giải pháp phù hợp với tình hình, đặc điểm lưới điện của mỗi khu vực. Với các đảo - điểm đầu tiên đi vào của các cơn bão, tại đây, cường độ gió là rất mạnh nên cần được quan tâm, có những giải pháp trong kiểm tra, rà soát, củng cố khắc phục khiếm khuyết sớm hơn, kỹ hơn đối với các nơi khác. Ngoài ra, chất lượng lưới điện trên các đảo cũng tốt hơn nhằm chống ăn mòn, khí hậu biển, chống bão...
Khi xảy ra bão, việc đảm bảo an toàn cho dân sẽ được đặt lên đầu tiên sau đó mới đến khắc phục, phát hiện hậu quả khi bão đi qua để khôi phục điện cấp cho dân.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công Thương điện tử