Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương); lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); EVNNPC; Công ty Điện lực Thanh Hoá (PC Thanh Hoá) và gần 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tạo tâm lý phấn khởi cho các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước mở rộng quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao với mức tăng trưởng nóng trên hai con số một năm. Riêng tại tỉnh Thanh Hoá, tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt hơn 4,3 tỷ kWh, tăng 11,93% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản điện thương phẩm của PC Thanh Hoá đạt gần 2,25 tỷ kWh, tăng trưởng 8,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,25%, tăng 6,47%.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN phát biểu tại Hội thảo
Trình bày tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, tình hình cung cấp điện tại nước ta đang gặp nhiều thách thức bởi nhu cầu điện vẫn không ngừng tăng cao, công suất đỉnh của hệ thống đã đạt mức tới hạn. Trong khi đó, nhiều dự án theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ so với kế hoạch từ 3 đến 5 năm; Nguồn than, khí phục vụ sản xuất điện cũng gặp khó khăn và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; Các hồ thuỷ điện luôn trong tình trạng thiếu nước do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, việc phải huy động nguồn điện chạy dầu, điện khí và năng lượng tái tạo sẽ tạo áp lực lên giá điện. Chính vì vậy, ngày 28/01/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT về Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện với mục tiêu đến năm 2020, công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện sẽ giảm được ít nhất 30%, tương ứng với 90 MW, đến năm 2025 là 300 MW và năm 2030 sẽ là 600 MW.
Toàn cảnh Hội thảo
Xác định được ý nghĩa của Chương trình, ngay từ đầu năm 2019, PC Thanh Hóa đã đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương và các khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt trên địa bàn phối hợp với ngành Điện tham gia chương trình DR. Ngoài ra, Công ty cũng đã chỉ đạo Điện lực các huyện, thị xã chủ động làm việc với khách hàng trên địa bàn tham gia thỏa thuận điều chỉnh phụ tải cơ chế phi thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 176 khách hàng (KH) sử dụng điện trên 01 triệu kWh/năm. Trong đó, đã có 139/176 KH tham gia thỏa thuận chương trình điều chỉnh phụ tải cơ chế phi thương mại, đạt tỷ lệ 78,9% với sản lượng tiết giảm ước đạt 66,73 MW trong trường hợp báo trước 24 giờ và 28,57 MW trong trường hợp báo trước 02 giờ. Phấn đấu hết quý III/2019, PC Thanh Hóa sẽ làm việc và ký thỏa thuận điều chỉnh phụ tải với toàn bộ các khách hàng trên.
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết EVNNPC sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện
Tham luận tại Hội thảo, ông Lê Văn Trang – Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết: “Thời gian qua, EVNNPC đã đảm bảo cung cấp điện năng an toàn, liên tục cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như sinh hoạt của nhân dân tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc. Năm 2019, Tổng công ty đã và đang tích cực triển khai đồng loạt chương trình tiết kiệm điện, trong đó đặc biệt là chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đến nay, EVNNPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực như: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa… chủ động ký kết thỏa thuận với doanh nghiệp trong việc thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải. Đặc biệt, để chương trình tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, EVNNPC cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện của doanh nghiệp như: Tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; Miễn phí nhân công bảo dưỡng định kỳ TBA cho khách hàng; Hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng và chăm sóc khách hàng; Đưa khách hàng vào danh sách ưu tiên cấp điện…”.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã nêu bật những lợi ích của việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng đưa ra các câu hỏi liên quan đến thời gian điều chỉnh phụ tải; Các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; Chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để đầu tư thay đổi dây chuyền, thiết bị…
Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, với sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công Thương, EVN, EVNNPC và lãnh đạo PC Thanh Hóa, 10 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ lớn trên địa bàn tỉnh đã tham gia lễ ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tuấn Anh