Hiện nay, EVNNPT đang quản lý, vận hành 26.859 km đường dây (bao gồm 8.969 km đường dây (ĐZ) 500 kV và 17.890 km ĐZ 220 kV); 172 trạm biến áp (TBA) từ 220 kV đến 500 kV với tổng dung lượng đạt 108.125 MVA. Do đặc điểm các tuyến ĐZ phải truyền tải một lượng lớn điện năng qua quãng đường xa, từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, cộng với địa hình hình phức tạp tại nhiều vị trí cột… nên công tác giảm tổn thất điện năng của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào cao điểm các tháng mùa khô, nhiều ĐZ và TBA luôn phải hoạt động trong tình trạng đầy tải, đôi khi quá tải đã tạo ra những áp lực lớn cho EVNNPT trong việc kéo giảm tổn thất.
Đứng trước những khó khăn đó, thời gian qua, Tổng công ty đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp hữu hiệu mang tính đột phá trong việc giảm tổn thất điện năng và xác định tính đồng bộ, liên kết giữa các giải pháp. Theo đó, trong công tác quản lý, EVNNPT đã tiếp tục đẩy mạnh củng cố và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện năng trên cơ sở giao chỉ tiêu tổn thất cho từng Công ty truyền tải. Đồng thời, có đánh giá thực hiện theo từng tháng, quý, năm và gắn kết quả thực hiện của các chỉ tiêu với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; Tăng cường công tác đào tạo, bồi huấn nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý tổn thất điện năng. Ngoài ra, đối với nhóm các giải pháp trong vận hành (chống đầy, quá tải thiết bị, sự cố và điện áp thấp), EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát mức độ mang tải và trào lưu công suất của các ĐZ, MBA, nhằm giảm thiểu tối đa sự cố lưới điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; Phối hợp với các Trung tâm Điều độ xây dựng các giải pháp, phương án để tránh vận hành quá tải, hoặc non tải tại các ĐZ, MBA và thiết bị lưới điện; Đề xuất thay thế, nâng khả năng tải các ĐZ, MBA thường xuyên đầy tải và có tổn thất cao…
Đối với công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT đã tập trung phát triển lưới điện mới, đồng thời cải tạo, chống quá tải lưới điện. Riêng năm 2021 vừa qua, Tổng công ty đã hoàn thành việc đóng điện tại 42 công trình. Trong đó, có nhiều dự án giữ vai trò hết sức quan trọng, phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo, thủy điện như: Dự án các ĐZ 500 kV Dốc Sỏi – Pleiku 2; Mỹ Tho – Đức Hòa; TBA 500 kV Đức Hòa; Nâng công suất TBA 500 kV Pleiku 2; Các đường dây 220 kV Mường Tè – Lai Châu, Đông Hà – Lao Bảo, Quảng Ngãi – Quy Nhơn; Các TBA 220 kV Thủy Nguyên, Bến Lức, Giá Rai… Qua đó, đã góp phần kéo giảm tổn thất điện năng, cũng như đảm bảo cấp điện cho các vùng trọng điểm kinh tế của đất nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng khác theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhờ làm tốt các giải pháp hữu hiệu đó, tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải đã giảm theo từng năm. Điển hình từ năm 2015 đến hết năm 2021, tỷ lệ này đã giảm từ 2,34% xuống còn 2,29% và đang dần đạt đến ngưỡng tiệm cận với tổn thất kỹ thuật, cũng như tương đương với mức tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải của các quốc gia tiên tiến trên thế giới như: Hà Lan, Đức, Australia, Thụy Điển… Từ đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống truyền tải điện.
Truyền tải xa một lượng lớn điện năng qua nhiều địa hình phức tạp đang là nguyên nhân chính gây tổn thất trên lưới điện
Thời gian tới, để tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp nhất có thể nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Đến năm 2025, EVNNPT thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”, Tổng công ty đã đề ra hàng loạt các nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trong quá trình quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành; Đẩy mạnh ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera giám sát và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng, giám sát vận hành ĐZ và TBA truyền tải. Đồng thời, Tổng công ty cũng sẽ nghiên cứu và tăng cường ứng dụng các giải pháp giám sát và giám sát trực tuyến tình trạng vận hành của các thiết bị chính trên lưới điện theo thời gian thực, giám sát nhiệt động ĐZ; Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp gám sát thông tin về hành lang, công trình lưới điện, trào lưu công suất theo khu vực địa lý, tình hình thời tiết tại các trạm biến áp và ở những khu vực có ĐZ đi qua…
Mặt khác, EVNNPT cũng sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng trong năm 2022 đã đề ra nhằm nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và chống quá tải. Theo đó, Tổng công ty đang tập trung chỉ đạo đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình công trình trọng điểm như: các ĐZ 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Pleiku 2; Thường Tín - Tây Hà Nội, Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín; các TBA 500 kV Long Thành; Lắp máy thứ 2 TBA 500 kV Đăk Nông, Ô Môn; ĐZ 220 kV M2 Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu, Bắc Giang - Lạng Sơn; các TBA 220 kV: Yên Hưng, Yên Mỹ, Bá Thiện, Hải Châu... Lắp đặt tụ/kháng bù để đảm bảo điện áp khu vực miền Bắc... Ngoài ra, EVNNPT còn quyết tâm đảm bảo tiến độ các công trình đấu nối, giải tỏa công suất các nguồn điện BOT Vân Phong, Hải Dương, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu; Các công trình phục vụ giải tỏa công suất từ nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn thủy điện khu vực Tây Bắc và mua điện từ Lào.
Lê Tuấn