Hiện nay, EVNNPT đang quản lý, vận hành 27.527 km đường dây (ĐZ) và 173 trạm biến áp (TBA) từ 220 kV đến 500 kV với tổng dung lượng đạt 114.060 MVA. So với khi thành lập vào tháng 7/2008, chiều dài đường dây truyền tải đã tăng 2,5 lần, số TBA tăng 2,79 lần và dung lượng máy biến áp tăng 5,14 lần. Từ năm 2016 tới nay, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết số 20-NQ/DU về việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020, EVNNPT còn tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh triển khai công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành, cũng như đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật. Theo đó, Tổng công ty đã và đang ứng dụng có hiệu quả nhiều thiết bị công nghệ hiện đại như: Trang bị chống sét van và thiết bị định vị khoảng cách điểm sự cố ĐZ; Trang bị Camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI); Áp dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để kiểm tra ĐZ; Chuyển đổi mô hình các TBA 220 kV có người trực sang vận hành ở chế độ không người trực; Ứng dụng hệ thống thu thập thông tin, giám sát; Quản lý thiết bị, TBA, đường dây trên nền bản đồ thông tin địa lý…
Cụ thể, trong công tác trang bị Camera cho ĐZ truyền tải điện, đến nay, EVNNPT đã lắp đặt hàng trăm Camera phục vụ giám sát ĐZ tại các vị trí cột giao chéo với đường bộ và đường sông; Nơi có nhiều phương tiện qua lại, dễ sạt lở móng cột; Khoảng cột nằm trong vùng có nguy cơ cháy rừng cao; Khu vực ĐZ hay gặp sự cố do thả diều... Việc ứng dụng Camera đã mang lại nhiều hiệu quả như: Giúp theo dõi từ xa và dễ dàng phát hiện, đánh giá chính xác những bất thường phát sinh trên tuyến ĐZ gồm: Cháy rừng gần hành lang, sạt lở móng cột hay những hoạt động sản xuất gần ĐZ có khả năng ảnh hưởng đến vận hành an toàn. Ngoài ra, thông qua hình ảnh từ Camera, đơn vị quản lý đánh giá được hiện trạng lưới điện mà không cần tiếp cận hiện trường; Có khả năng phóng to, quan sát rõ được tình trạng cách điện, phụ kiện, thanh cột tại vị trí lắp đặt Camera. Đặc biệt, Camera có khả năng lưu trữ hình ảnh nên có thể truy xuất dấu vết để phục vụ điều tra, phân tích đúng nguyên nhân khi có bất thường, vi phạm hành lang.
Đối với công tác quản lý vận hành TBA, trong giai đoạn 2016 – 2021, EVNNPT đã từng bước chuyển đổi mô hình các TBA 220 kV có người trực sang vận hành ở chế độ không người trực. Đến nay, Tổng công ty đã chuyển 109/139 TBA 220 kV sang không người trực. Do vậy, chỉ sau 04 năm triển khai áp dụng mô hình này, mặc dù khối lượng TBA 220 kV của EVNNPT tăng 24,77% nhưng định biên lao động quản lý vận hành đã giảm được 23,15% so với thời điểm cuối năm 2017. Ngoài ra, để nâng cao công tác quản lý vận hành TBA, EVNNPT đã thí điểm thực hiện đề án quản lý TBA bằng thiết bị thông minh tại 20/20 TBA của PTC3 và 06 TBA của PTC1, PTC2, PTC4. Phần mềm cho phép nhân viên sử dụng thiết bị di động hoặc máy tính bảng để ghi nhận lại các thông tin kiểm tra thiết bị. Việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp giảm thời gian ghi chép sổ sách của công nhân; Dữ liệu được số hóa; Giảm được thời gian tổng hợp, báo cáo và triển khai chuyển đổi số công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo hướng thống nhất trong toàn Tổng công ty.
Trong công tác trang bị thiết bị định vị khoảng cách điểm sự cố, hiện toàn EVNNPT đã lắp đặt được nhiều chục bộ định vị cho hầu hết các ĐZ 220 – 500 kV quan trọng và có chiều dài lớn. Do ĐZ truyền tải đi qua địa hình hiểm trở, khó đi lại nên khi sự cố xảy ra, việc xác định chính xác vị trí theo phương pháp thủ công mất rất nhiều nhân lực và thời gian. Do vậy, trang bị các bộ định vị khoảng cách điểm sự cố đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm điểm sự cố và hỗ trợ việc xử lý sự cố, qua đó rút ngắn thời gian, giảm các chi phí quản lý vận hành cũng như khôi phục nhanh ĐZ. Mặt khác, đối với hệ thống thu thập thông tin, giám sát, cảnh báo sét, Tổng công ty đã triển khai đầu tư trang bị hệ thống thu thập cảnh báo sét nhằm giúp hỗ trợ xác định nhanh vị trí sự cố do sét và phân tích nguyên nhân sự cố. Hệ thống này cung cấp bộ cơ sở dữ liệu về giông sét bao gồm: Thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về giông sét; Cung cấp dữ liệu phục vụ phân tích sự cố do sét, từ đó đưa ra giải pháp giảm thiểu sự cố và phục vụ thiết kế các công trình điện; Cảnh báo sớm quá trình phát triển hình thành cơn giông/sét; Cung cấp các thông tin về cường độ, mật độ sét từng vùng lãnh thổ.
EVNNPT ứng dụng thiết bị UAV để kiểm tra lưới điện truyền tải
Đối với thiết bị UAV, từ năm 2018, EVNNPT đã triển khai thử nghiệm ứng dụng này. Việc ghi nhận thực tế hiện trạng bằng hình ảnh, video thông qua UAV đã mang lại nhiều hiệu quả cho công tác kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện truyền tải như: Giảm nhân công, nâng cao năng suất lao động; Đảm bảo an toàn cho con người khi kiểm tra các hạng mục trên cao đang mang điện; Quan sát khu vực ĐZ bao quát hơn; Khả năng tiếp cận và phát hiện nhanh các hư hỏng trên dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và các thiết bị ĐZ mà không cần thiết phải cắt điện… Ngoài ra, Tổng công ty cũng tập trung nghiên cứu, kết hợp triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Phân tích hình ảnh từ thiết bị chụp ảnh, Camera và thiết bị bay UAV bằng AI để nhận diện/phân loại được bất thường/bình thường trong kiểm tra đường dây…
Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi “Chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040”, EVNNPT, cũng như các đơn vị thành viên đang tích cực mở rộng nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm mang lại hiệu quả cao hơn nữa cho công tác quản lý, vận hành lưới điện truyền tải. Đặc biệt, riêng trong năm 2022 này, Tổng công ty sẽ nỗ lực hoàn thành cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS; Phối hợp với EVNICT thực hiện CBM cho máy biến áp, máy cắt 220 kV và 500 kV; Xây dựng phần mềm sửa chữa, bảo dưỡng theo CBM cho các thiết bị; Tiếp tục thử nghiệm ứng dụng AI trong công nghệ xử lý hình ảnh, huấn luyện mô hình AI để nâng cao độ chính xác nhận diện và triển khai ứng dụng trong quản lý vận hành đường dây truyền tải điện; Ứng dụng công nghệ hiện trường (Digital Workforce) cho khối phân phối và truyền tải; Hoàn thiện các ứng dụng số hóa công tác quản lý vận hành đường dây và TBA; Hoàn thành xây dựng DASHBOARD để khai thác dữ liệu từ hệ thống PMIS trong quý 3/2022, cũng như ban hành quy trình quản lý vận hành phù hợp với quá trình chuyển đổi số.
Tuấn Anh