Thứ Ba, 26/11/2024 22:18:24 GMT+7
Lượt xem: 90

Tin đăng lúc 26-11-2024

FPT Semiconductor: Nỗ lực bay cao trên đôi cánh công nghệ

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dứ liệu lớn (Big Data),… Tại Việt Nam, sau nhiều năm “ươm mầm” sản xuất sản phẩm công nghệ bán dẫn, vào tháng 9/2022, FPT Semiconductor đã chính thức ra đời và trở thành doanh nghiệp tiên phong công bố thiết kế thành công sản phẩm “chip” nguồn ứng dụng trong lĩnh vực y tế, qua đó đánh dấu bước ngoặt quan trọng của FPT nói riêng và nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam nói chung.
FPT Semiconductor: Nỗ lực bay cao trên đôi cánh công nghệ
Sản phẩm chíp do FPT Semiconductor sản xuất

Hóa giải cơn khát sau nhiều năm chờ đợi

         

PGS, TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng khoa Điện tử phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực chất, ngành bán dẫn của Việt Nam đã manh nha từ năm 1979 khi Nhà máy Z181 (Công ty TNHH MTV Điện tử Sao Mai) được thành lập và đã cung ứng rất nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu. Tuy nhiên, khi đất nước rơi vào vòng xoáy bao vây cấm vận, ngành bán dẫn đã không thể phát triển. Trong khi đó, với sự trợ giúp về vốn cùng công nghệ của Hoa Kỳ, ngành bán dẫn Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu phát triển nhanh chóng.

         

Năm 2023, Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Đặc biệt, trong tuyên bố chung, hai nước ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn. Đến nay, sau 45 năm chờ đợi, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn đang tạo ra cơ hội để Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Từ đó làm tiền đề tăng năng suất, chất lượng, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong sản phẩm cũng như trong thu nhập.

         

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ không thể đảo ngược của lĩnh vực chíp bán dẫn, tháng 9/2022, Công ty Thiết kế Chíp bán dẫn (FPT Semiconductor) -  một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thuộc lĩnh vực công nghệ cao (trực thuộc Tập đoàn FPT) đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. FPT Semiconductor ra đời mang theo khát vọng trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc hiện thực hóa giấc mơ “Chíp” bán dẫn Make in Việt Nam.

         

Nỗ lực tạo ra hướng đi cho “chíp” Việt

         

FPT Semiconductor là doanh nghiệp CNHT đầu tiên tại Việt Nam sản xuất chíp với mục đích thương mại. Đặc biệt, sau một thời gian nghiên cứu, FPT Semiconductor đã phát triển khoảng 25 loại chíp và đa phần các dòng chíp này đều thuộc công nghệ tầm trung với kích cỡ từ 28nm – 130nm.

 

         

Ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch FPT Semiconductor cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm chíp

 

Ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch FPT Semiconductor chia sẻ: “Chúng tôi lựa chọn công nghệ tầm trung bởi các dòng chíp này có chi phí đầu tư và sản xuất phù hợp, giá thành bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, lợi thế cạnh tranh đặc biệt của FPT Semiconductor với chíp cùng phân khúc của các nước khác trên thế giới nằm ở công nghệ “may đo” chíp độc quyền. Cụ thể, nếu Đài Loan (Trung Quốc) chỉ có một mẫu chíp để bán cho mọi khách hàng, mọi thiết bị thì  FPT Semiconductor có khả năng cá nhân hóa thiết kế của chíp theo mục đích sử dụng của khách hàng, chẳng hạn như chíp nguồn riêng cho camera, chíp nguồn riêng cho điện thoại, chíp nguồn riêng cho máy in…”.

         

Sản xuất chíp là một bài toán quy mô lớn, số tiền đầu tư có thể lên tới hàng tỷ đô la. Đây là cuộc đua tiêu tốn rất nhiều nguồn lực mà các doanh nghiệp nghiệp Việt Nam khó có đủ khả năng để đầu tư. Do vậy, đi ngược lại xu thế bắt đầu từ khâu kiểm thử và đóng gói chíp giống như nhiều nước trong khu vực, FPT Semiconductor lựa chọn thiết kế chíp làm bước đầu đầu tiên. Cụ thể, trong 25 loại chíp đã phát triển, các kỹ sư tại Việt Nam chỉ đảm nhận khâu thiết kế, còn toàn bộ khâu sản xuất, đóng gói, thử nghiệm đều được thực hiện ở nước ngoài. Nguyên nhân được chỉ ra là khâu thiết kế tạo ra 50% giá trị gia tăng, sản xuất bao gồm sản xuất phiến bán dẫn tạo ra 24% giá trị gia tăng, còn đóng gói và kiểm thử tạo ra 06% giá trị gia tăng. Trong đó, sản xuất phiến bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trình độ khoa học công nghệ và quản trị phát triển cao. Khâu thiết kế đòi hỏi khả năng đổi mới sáng tạo lớn nên tạo ra giá trị gia tăng lớn vì sở hữu các sản phẩm cuối cùng của doanh thu.

 

         

Phòng sản xuất chíp Production Expand room - class 10k của FPT Semiconductor

 

Hiện nay, FPT Semiconductor đã cho ra mắt dòng chíp nguồn đầu tiên chuyên dùng để quản lý nguồn điện, cũng như đang phát triển dòng chíp IoT Platform cho các ứng dụng thiết bị thông minh, bao gồm nông nghiệp và thiết bị y tế. Đặc biệt, FPT Semiconductor đã ký kết đơn hàng xuất khẩu trên 70 triệu chíp phục vụ cho thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Qua đó, đã ghi đậm dấu ấn lịch sử khi trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công chíp bán dẫn. Đây không chỉ được coi là thành tựu của FPT Semiconductor mà còn là tín hiệu đáng mừng của nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

         

Tiếp tục tạo đột phá mới trong phát triển công nghiệp bán dẫn

 

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành này. Đặc biệt, Việt Nam đã lọt vào danh sách quốc gia có thể nhận được hỗ trợ của Hoa Kỳ theo đạo luật Chips Act để cải thiện sản xuất cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

 

Giới thiệu sản phẩm chíp do FPT Semiconductor sản xuất tại các triển lãm công nghệ

 

“Là doanh nghiệp CNHT tiên phong trong lĩnh vực thiết kế công nghệ bán dẫn tại Việt Nam, FPT Semiconductor cam kết sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chíp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao năng lực sản xuất. Với tầm nhìn chiến lược, Công ty sẽ không chỉ tập trung vào việc phát triển sản phẩm mà còn đầu tư mạnh vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, để từ đó giúp Việt Nam có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Theo đó, FPT Semiconductor đặt mục tiêu đến năm 2033 sẽ có 30.000 nhân sự bán dẫn, phát triển dòng chíp nguồn, chíp IoT và AI chíp. Đặc biệt, Trường Đại học FPT đang song hành đào tạo cả 03 hệ: ngắn – trung và dài hạn, cũng như hợp tác với gần 20 trường Đại học quốc tế để tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch FPT Semiconductor khẳng định.

 

Bên cạnh chíp bán dẫn, FPT Semiconductor cũng sẽ tập trung vào lĩnh vực Automotive, đặc biệt là phục vụ cho ngành xe điện. Hiện nay, Công ty đã cung cấp dịch vụ phần mềm cho nhiều hãng xe trên thế giới. Riêng trong mảng công nghệ ô tô, Đơn vị hiện có hơn 3.800 kỹ sư, chuyên gia công nghệ trên toàn cầu triển khai các dự án cho nhiều đối tác là các hãng xe hàng đầu thế giới. Đặc biệt, mảng công nghệ trên ô tô của FPT đạt tiêu chuẩn AUTOSAR quốc tế và tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Qua đó, giúp FPT đặt mục tiêu doanh thu lên tới 05 tỷ USD xuất khẩu phần mềm vào năm 2030.

 

Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang