Những bước tiến quan trọng
Chưa bao giờ, trong vòng một năm, Việt Nam tham gia tới 3 FTA, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số FTA mà Việt Nam tham gia lên con số 15. Điều này đã chứng tỏ Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.
Thực tế đã chứng minh, trong năm 2020, việc Việt Nam đẩy mạnh thực thi CPTPP, EVFTA trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và biến động thị trường phức tạp, khó lường đã tạo động lực mạnh mẽ vực dậy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm đạt trên 19 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và xuất siêu đạt mức kỷ lục, Việt Nam đang là điểm sáng của thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Hội nhập kinh tế quốc tế đang được Chính phủ triển khai có hiệu quả, trong đó doanh nhân, DN là lực lượng đi đầu. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần nỗ lực hoàn thiện, thực hiện quyết liệt, hiệu quả và thực chất các cơ chế, chính sách thúc đẩy DN Việt Nam tranh thủ cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế. Việc xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ hội nhập theo hướng chuyên nghiệp, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, kỹ năng thời đại số trở nên rất cấp bách và cần thiết.
Cơ hội song hành thách thức
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tham gia các FTA thế hệ mới là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể, giúp nền kinh tế ứng phó tốt hơn với các biến động bên ngoài. Các FTA thế hệ mới còn hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế nước ta, nhất là trong các lĩnh vực như: Tài chính - ngân hàng, chi tiêu công và nông nghiệp - nông thôn. Đặc biệt, do CPTPP, EVFTA đều bao gồm các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện hơn với môi trường, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh những cơ hội, việc tham gia các FTA, nhất là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA cũng kèm theo những thách thức không nhỏ. Về khía cạnh kinh tế, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam. Cạnh tranh sẽ gây ra khó khăn đối với các DN yếu kém nhưng cũng mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Nắm rõ những cơ hội, thách thức từ hội nhập sân chơi kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã xác định mục tiêu của hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong đó, đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Cùng với đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng DN và các hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai các cam kết, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN trong phòng vệ thương mại. Về phía các bộ, ngành liên quan cần chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA hiện đang thực thi và đàm phán cũng như nghiên cứu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để tận dụng được cơ hội, các cơ quan chức năng nên tăng cường hướng dẫn, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn giúp cộng đồng DN nắm rõ “luật chơi” từ các FTA. Chú trọng việc kết nối với DN đầu tư trực tiếp nước ngoài để giúp DN trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng hành cùng DN khai thác tối đa lợi thế từ các FTA, Bộ Công Thương và hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại các nước cần tích cực triển khai các chương trình hành động thực thi, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường.
Nhằm hỗ trợ DN phát triển, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, VCCI tăng cường đối thoại giữa cộng đồng DN với Chính phủ để phản hồi thông tin từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp Chính phủ kiến tạo môi trường thể chế phù hợp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn cho DN phát triển và hội nhập quốc tế hiệu quả. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc |
Theo Kinhtedothi