Thời gian qua, dù tốc độ phát triển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng khá mạnh nhưng hạ tầng bán lẻ còn gặp không ít khó khăn. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… cấp vùng đa phần tập trung ở các thành phố lớn, các quận nội thành. Việc phát triển các trung tâm có quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số có quy mô nhỏ, thiếu vắng hệ thống chợ đầu mối bán buôn.
Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, ngành Thương mại còn gặp khó khăn về tiêu thụ hàng hóa. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội cho biết, theo quy luật thị trường và thực tế hoạt động từ các nước phát triển thì trước khi sản xuất sản phẩm nào, người sản xuất phải tìm hiểu thị trường và có kế hoạch bán hàng trong tháng, quý, năm. Nhưng hiện nay, chúng ta lại làm ngược lại, tức là cứ sản xuất rồi đẩy hàng hóa ra thị trường.
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị phần thương mại - dịch vụ vào tay doanh nghiệp nước ngoài, bởi hơn 90% doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa. Để tạo ra sức mạnh cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, theo PGS.TS Hoàng Thọ Xuân - nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các cơ sở bán lẻ phải liên kết với cơ sở sản xuất. Đồng thời, phải xác định được doanh nghiệp “đầu tàu” của từng ngành, từng sản phẩm. Những doanh nghiệp này quyết định sự thành công của hệ thống, chuỗi cung ứng.
Muốn làm được điều đó, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình liên kết xây dựng chuỗi cung ứng - tiêu thụ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, kết hợp sự hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng doanh nghiệp, từng bước chuyển hóa các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ tiểu thương thành cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại. Hàng hóa được đặt hàng các nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà nhập khẩu, qua đó hình thành các chuỗi cung ứng hoàn thiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tập trung khai thác thị trường nông thôn bằng việc xây dựng các cửa hàng tiện lợi, bởi đây là thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt với hàng Việt.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, việc tạo ra một môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh bình đẳng, các doanh nghiệp có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận thị trường, khai thác đầy đủ các nguồn lực của quốc gia thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Ngành Công Thương đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, chú trọng đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.
Cùng với tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, ngành Công Thương còn đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá đối với những mặt hàng được quản lý; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo báo Hà Nội mới