Thái Lan có thương hiệu gạo thơm Hom Mali, Campuchia dù đi sau nhưng thương hiệu gạo Phka Romdoul đã được nhiều nước trên thế giới biết đến. Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu (XK) gạo lớn thứ ba thế giới nhưng vẫn ít người tiêu dùng biết tới.
Chú trọng lượng hơn chất
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, XK gạo liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, XK đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22%. Tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong năm 2018, tính đến hết ngày 15/9, XK gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017; trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 24,8%.
Đến nay, Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo XK toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, là nước XK gạo lớn thứ ba thế giới.
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động XK gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Hội nghị Triển vọng sản xuất và thị trường XK gạo Việt Nam chiều 10/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại gạo hiện vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Gạo là mặt hàng nhạy cảm được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến.
Cụ thể, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, cho biết hiện nay, cơ cấu chủng loại XK gạo trắng cấp thấp, trung bình và gạo trắng phẩm cấp cao của Việt Nam vẫn chiếm gần 40%. Trong khi đó, các thị trường cạnh tranh về XK gạo với Việt Nam đang ngày càng đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng gạo.
Điều này cho thấy yêu cầu phát triển gạo chất lượng cao rất cấp thiết. Tuy nhiên, từ thực tế, ông Nguyễn Sơn Tiên, Tổng Giám đốc CTCP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu gạo Việt (Orgagro), cho biết Việt Nam có thế mạnh phát triển ngành lúa gạo nhưng hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề giống.
Hiện, Việt Nam có rất nhiều giống gạo, song chất lượng không ổn định. Nhiều đối tác nhập khẩu rất quan tâm đến gạo Jasmine nhưng chất lượng gạo Jasmine của Việt Nam hiện nay lại không bằng Thái Lan vì bị lai tạo nhiều. Việt Nam không có giống nào đúng như Jasmime chuẩn thế giới. Khi ăn thử sẽ thấy sự khác biệt rõ của hai loại gạo này về màu sắc, hình dáng, vì thế nhiều đối tác còn lưỡng lự.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu lúa ĐBSCL, cho rằng các loại giống lúa Japonica, giống lúa theo thực phẩm chức năng, nhóm lúa hạt dài ở Việt Nam vẫn chưa tạo được sự vượt trội về hình dáng, hương vị so với các nước khác.
Bắt tay làm thương hiệu
Vì vậy, bà Tiên cho rằng muốn XK gạo đem lại nhiều giá trị cần phải đặc biệt chú trọng tới giống lúa. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng.
Cụ thể, đối với lúa XK, để chuyển sang phân khúc thị trường giá trị cao, cần có các giống lúa thơm, giống chất lượng cao theo thị hiếu từng thị trường (hạt dài hoặc hạt tròn).
Đối với lúa tiêu thụ nội địa hoặc XK diện hẹp, chuyên biệt cần phát huy các giống địa phương đặc sản, lúa nếp địa phương.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu, ông Martin Albani, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, dẫn ra những điển hình trong xây dựng thương hiệu gạo mà Việt Nam cần phải học từ các nước trong khu vực.
Như ở Thái Lan, các loại gạo XK luôn có chỉ dẫn địa lý, điều này không chỉ giúp người tiêu dùng thế giới tin tưởng mà còn được bán với mức giá cao hơn nhiều so với gạo thông thường.
"Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền nếu nhận được gạo có nguồn gốc rõ ràng", ông Martin Albani cho biết.
Hay tại Campuchia, ngành lúa gạo bắt đầu gần như từ "tay trắng", tuy nhiên nhờ việc luôn chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, nước này đã khiến người tiêu dùng biết một số nước tới gạo của mình.
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, về phía cung sẽ tập trung vào đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo XK; đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch.
Về phía cầu, cần phải đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường XK ổn định, tăng cường quan hệ hợp tác thương mại gạo cả kênh Chính phủ và DN; đa dạng và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.
Về thị trường, ngành lúa gạo cần phải mở rộng các thị trường XK. Hiện nay, XK gạo vẫn chủ yếu XK qua các thị trường truyền thống là châu Á, châu Phi. Thời gian tới, DN nỗ lực xúc tiến để đưa sản phẩm gạo Việt Nam tới thị trường châu Âu, Australia, Nhật Bản – những thị trường dù gạo Việt đã vươn tới nhưng còn hạn chế.
Đặc biệt, theo ông Trần Thanh Hải, việc định hướng sản xuất theo quy trình sạch, phát triển gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến sẽ giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu gạo trong thời gian tới.
Theo Thời báo Kinh doanh