Nắm bắt xu hướng này, cuối 2019, Công ty cổ phần GDC Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) đã nhanh chóng được thành lập và sớm xác lập uy tín, thương hiệu của mình, góp phần thúc đẩy phát triển ngành CNHT ô tô của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Công ty CP GDC Việt Nam (GDC Việt Nam) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, đúc trọng lực các sản phẩm phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy, cơ khí và các sản phẩm nhôm theo đơn đặt hàng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, sản phẩm cơ khí trong và ngoài nước. Nhà máy sản xuất của GDC Việt Nam đặt tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, nơi có vị trí kết nối giao thông, logistic thuận lợi với Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng, các khu công nghiệp lân cận và tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Nhà máy GDC được đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ theo chuẩn Nhật Bản với hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2015, 14001-2015. Hơn thế, nhờ có đội ngũ kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm và công nhân lành nghề, nên GDC Việt Nam luôn tự tin đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, tiến độ, dịch vụ của khách hàng. Bởi vậy, tuy mới ra đời không lâu, nhưng GDC Việt Nam đã nhanh chóng có được nhiều đối tác, khách hàng rộng khắp, thuộc nhiều quốc gia (Mỹ, Úc, Nhật, Đài Loan, Việt Nam) như: PGMI, SINWA, TANIGUCHI, Mountain TARP, sf…
Đại diện của GDC Việt Nam cho biết, thời gian qua, xu hướng trên thế giới về chuyển đổi sản xuất linh kiện từ kim loại nặng sang nhôm hợp kim ngày càng tăng bởi các ưu điểm: Nhẹ, bền, thẩm mỹ, mẫu mã đang dạng, kinh tế. Đặc biệt với công nghệ đúc trọng lực tiên tiến có thể đúc được các chi tiết, linh kiện có độ phức tạp và yêu cầu kỹ thuật rất cao mà công nghệ đúc áp lực khó có khả năng thực hiện. Nắm bắt được xu thế chung của thế giới, GDC đã được thành lập với sứ mệnh đúc trọng lực, sản xuất linh kiện, phụ tùng chất lượng cao cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô, xe máy, điện, dầu khí, chế tạo máy... trong và ngoài nước từ khi thành lập đến nay. Hiện công suất của Nhà máy chúng tôi lên đến 500.000 sản phẩm/năm…
Như vậy, có thể nói, 2 năm qua, mặc dù nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhưng những doanh nghiệp như GDC Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó, đảm bảo, duy trì sản xuất, phục vụ khách hàng. Chính những nỗ lực đó, đã góp phần vào thành quả chung của ngành CNHT ô tô nói riêng và ngành Công nghiệp cả nước nói chung, dẫu biết rằng vấn đề khan hiếm nguyên liệu, linh kiện đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, FDI vẫn còn nhiều nan giải.
GDC Việt Nam với thế mạnh Đúc trọng lực các sản phẩm phụ trợ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 ước tính tăng 3,36% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,38%; quý III tăng 3,86%; quý IV tăng 8,63%), đóng góp 1,25 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp là 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,4%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Rõ ràng, thành quả đó, có sự góp phần không nhỏ, đáng khích lệ của các doanh nghiệp CNHT, trong đó có GDC Việt Nam.
Ghi nhận sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp phụ trợ ô tô nói riêng và toàn ngành CNHT nói chung trong năm qua, Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, năm 2021, trong 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội, khoảng 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển lĩnh vực CNHT hằng năm tăng trên 11%... Điều này cho thấy phần nào những nỗ lực tích cực vượt khó, đóng góp vào thành quả của lĩnh vực CNHT ô tô Thủ đô, trong đó có sự đóng góp đáng khích lệ của nhiều doanh nghiệp CNHT như GDC Việt Nam.
Thời gian tới, Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022”, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư… giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Theo đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế của Hà Nội, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các ngành chế tạo như ô tô, cơ khí…; CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT ngành dệt may - da giày. Điều này sẽ là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ luôn muốn vượt lên chính mình, khẳng định thương hiệu như GDC Việt Nam.
Tin tưởng rằng, với hướng đi rộng mở, thương hiệu ngày một khẳng định cũng như năng lực đang căng tràn sức trẻ, GDC Việt Nam sẽ chinh phục được nhiều thử thách phía trước, nhất là góp phần tham gia vào mạng lưới sản xuất phụ trợ toàn cầu, xóa nhòa những “điểm nghẽn” của ngành công nghiệp ô tô, xe máy trong nước hiện nay.
Đó cũng là cơ sở để GDC Việt Nam tự tin, khẳng định về thế mạnh của mình và gửi tới các nhà sản xuất thông điệp: “Qúy khách hàng có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp nội địa thay thế hàng nhập khẩu từ nhà sản xuất gốc nước ngoài (OEMs) hoặc phát triển model mới theo cách của mình, hãy chuyển thông tin, ý tưởng cho GDC Việt Nam chúng tôi. GDC Việt Nam sẽ nỗ lực “giải các bài toán khó” qua việc nghiên cứu, đánh giá tiền khả thi về thiết kế, khả năng đúc,… Từ đó, đề xuất phương án kỹ thuật và báo giá cạnh tranh nhất cho mọi quý khách hàng...
Hưng Hà