Chủ Nhật, 24/11/2024 12:16:20 GMT+7
Lượt xem: 3795

Tin đăng lúc 24-12-2015

Giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Giá dầu giảm sẽ gây ra nhiều bất lợi, tuy nhiên nếu chuẩn bị tốt phương án ứng phó thì có thể biến thành cơ hội cho kinh tế phát triển.
Giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Giá dầu giảm gây nên nhiều khó khăn cho hoạt động khai thác dầu trong nước. (Ảnh: VnEconomy)

Việc giá dầu thế giới giảm liên tục trong thời gian qua đã tác động mạnh tới nền kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ nói chung trong đó có Việt Nam. Giá dầu xuống thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam, từ đó dẫn đến giảm nguồn thu Ngân sách Nhà nước và kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 

Nhiều nhận định cho thấy, giá dầu liên tục trượt dốc một phần do nhu cầu dần hạn chế, trong khi nguồn cung dầu trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, thậm chí còn kéo dài sang cả năm 2016. Khi không loại trừ khả năng giá dầu duy trì ở mức thấp trong dài hạn, đề ra phương án đối phó, tính toán tầm ảnh hưởng của giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam là việc phải tính đến.

 

Nền kinh tế sẽ rơi vào giảm phát sâu

 

Với kịch bản giá dầu tiếp tục giảm xuống mức 30 USD/thùng trong năm 2016, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ sẽ chịu tác động tiêu cực và rất nặng nề trong năm 2016 và tăng trưởng kinh tế thế giới giảm. Riêng GDP của Việt Nam có thể sẽ sụt giảm mạnh.

 

“Với kịch bản giá dầu ở mức 30 USD/thùng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn được cải thiện nhẹ (tăng 0,9%) và kim ngạch nhập khẩu giảm 2,8% trong bối cảnh tiền đồng tăng giá (3,78 điểm %) và chi tiêu Chính phủ giảm mạnh do thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô giảm, nên GDP của Việt Nam có thể giảm 2,28% trong năm 2016”, TS. Khôi nhận định.

 

TS. Khôi cũng cho rằng, với mức giảm giá dầu này sẽ khiến lạm phát Việt Nam giảm 126,62%, nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng giảm phát sâu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới những năm sau được cải thiện nên sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

 

“Giá dầu giảm dẫn đến việc thu ngân sách giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực tới chi tiêu Chính phủ và cầu trong nước, khiến quy mô GDP suy giảm mạnh trong 3 năm giai đoạn 2016-2020”, TS. Khôi cho hay.

 

Trong khi đó, nhận định về giá dầu trong thời gian tới, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lại cho rằng, trong năm 2016 giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chu kỳ giá thấp, dao động trong khoảng 25 - 40 USD/thùng.

 

“Đây là mức giá trung bình năm khi bỏ qua những dao động mang tính chất tức thời. Điều này sẽ có những tác động đến nền kinh tế có thể quan sát được là những đóng góp vào Ngân sách Nhà nước từ doanh thu xuất khẩu dầu sẽ giảm, việc đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - đặc biệt là trong thăm dò và khai thác dầu khí tiếp tục gặp khó khăn”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi cho biết.

 

Tuy nhiên, PGS. TS Bùi Xuân Hồi cũng phân tích, khi giá dầu giảm thấp, Việt Nam có cơ hội để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, gia tăng sức mua của người dân. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu phi xăng dầu sẽ tiếp tục phát triển, từ đó tăng cơ cấu nguồn thu ngân sách từ các hoạt động kinh doanh trong nước. Điều này cũng hết sức phù hợp với bối cảnh kinh tế nước ta đang trong quá trình hồi phục và tăng trưởng trở lại.

 

Tận dụng được cơ hội từ giá dầu giảm

 

Đề phòng phương án ứng phó với kịch bản giá dầu tiếp tục giảm sâu, TS. Lương Văn Khôi cho rằng, trong bối cảnh tiền các đồng tiền đều tăng giá, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu thế giới và diễn biến chính sách tiền tệ của các quốc gia để chủ động và có những bước điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp.

 

“Nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng giảm phát nặng nên tùy thuộc vào điều kiện vĩ mô, cần có những biện pháp bổ trợ khác như nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Các cơ quan quản lý cần xem xét giảm giá xăng dầu thành phẩm, kích thích những ngành sử dụng xăng dầu như vận tải phát triển, giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế”, TS. Khôi cho biết.

 

Ngoài ra, theo TS. Khôi, để đảm bảo nguồn thu ngân sách khi khu vực kinh tế được cải thiện, Chính phủ cần cải cách toàn diện hệ thống thuế quốc gia từ Trung ương xuống địa phương nhằm tránh thất thu thuế, đảm bảo nguồn thu hoặc bù đắp phần suy giảm do tác động giảm giá dầu thế giới tới Ngân sách Nhà nước.

 

“Trong khi những giải pháp trên chỉ mang tính ngắn hạn, thích ứng với điều kiện kinh tế vĩ mô, giải pháp căn cơ là nhân cơ hội này tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và của cả nền kinh tế”, TS. Khôi chỉ rõ.

 

Nêu giải pháp thích ứng với giá dầu giảm, PGS. TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, rất cần thiết khi thừa nhận một kịch bản giá dầu thấp và có thể kéo dài để chủ động trong việc lập kế hoạch thu chi cấp quốc gia, cơ cấu thu Ngân sách Nhà nước để từ đó có thể tận dụng được các cơ hội từ việc giá dầu giảm.

 

“Chúng ta có tận dụng cơ hội này hay không phụ thuộc vào việc khai thác tối đa những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, từ đó có tác động tổng hợp, biến việc giá dầu giảm có đóng góp cho GDP và phát triển kinh tế theo hướng bền vững”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi bày tỏ./.

 

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang