Thứ Năm, 21/11/2024 23:54:34 GMT+7
Lượt xem: 3870

Tin đăng lúc 24-01-2016

Giá dầu năm 2016 dự báo tiếp tục ảm đạm

Ngay từ những ngày đầu năm 2016, giá dầu thế giới liên tục thiết lập đáy mới. Nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu năm 2016 chỉ còn 20 USD/thùng do nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường và tìm tới những tài sản an toàn hơn.
Giá dầu năm 2016 dự báo tiếp tục ảm đạm
Ảnh minh họa

Kể từ giữa năm 2014, giá dầu thế giới bắt đầu giảm khi sản lượng dầu tăng mạnh, từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và CHLB Nga đến dầu đá phiến tại Mỹ, bắt đầu vượt cung.

 

Giá dầu tiếp tục giảm sâu vào cuối năm 2014, sau khi Saudi Arabia quyết định giữ nguyên sản lượng dầu khai thác của OPEC nhằm bảo vệ thị phần trên toàn cầu hơn là cắt giảm sản lượng để phục hồi giá dầu.

 

Nguyên nhân đẩy giá dầu giảm sâu một phần là do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, kinh tế Trung Quốc tăng chậm dần, nhưng cơ bản là do sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tăng cao, từng bước đẩy thị trường dầu thế giới sang trạng thái thừa cung, nổi bật là từ cuối năm 2014. Lần đầu tiên trong lịch sử, lượng dầu tồn kho tại Mỹ hình thành sau gần 8 thập kỷ khi các công ty dầu lửa tiếp tục tăng sản lượng nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp.

 

Đến cuối năm 2014, giá dầu thế giới giảm từ mức giá trên 100 USD/thùng vào tháng 6/2014 xuống gần 50 USD/thùng.

 

Trong năm 2015, giá dầu tiếp tục giảm 2 con số do Saudi Arabia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không nhất trí cắt giảm sản lượng dầu khai thác do thất thu ngân sách, trong bối cảnh sản lượng dầu trên thế giới tiếp tục vượt nhu cầu.

 

Ngày 4/12/2015, tại hội nghị tổ chức ở Vienna (CH Áo), OPEC lại tiếp tục quyết định không cắt giảm sản lượng nhằm bảo vệ thị phần, khi Iran sẽ trở lại thị trường xuất khẩu dầu sau khi các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế. CHLB Nga cũng không có tín hiệu sẽ cắt giảm sản lượng. Tại Mỹ, mặc dù số lượng giếng dầu tại Mỹ đã giảm 2/3 so với năm trước, nhưng tốc độ cắt giảm sản lượng vẫn chậm hơn so với lượng dầu tồn kho. Ngoài ra, các nước Trung Đông rất khó đạt được giải pháp chung để điều tiết thị trường dầu mỏ do căng thẳng địa chính trị giữa các nước Trung Đông có xu hướng ngày càng trầm trọng.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2015, dầu thô Brent đóng cửa ở mức giá 37,28 USD/thùng, mức giá thấp nhất trong 11 năm qua, giảm 35% so với năm trước, sau khi giảm 48% vào năm 2014. Tương tự, dầu ngọt WTI đóng cửa ở mức giá 37,04 USD/thùng, giảm 30% so với cuối năm 2014, sau khi giảm 46% vào năm 2014.

 

Giá dầu giảm gây tổn hại cho chuỗi cung ứng năng lượng, bao gồm các công ty xuất nhập khẩu xăng dầu, các công ty khai thác và những nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu từ Venezuela và CHLB Nga đến Trung Đông. Các công ty kinh doanh dầu, các nhà đầu cơ và các quỹ bảo hiểm chuyển sang vị thế ngắn hạn nhằm hạn chế thua lỗ do lo ngại giá dầu còn giảm sâu.  

 

Giá dầu thấp cũng khuấy động thị trường tài chính toàn cầu, khi các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu đều báo cáo tình trạng giảm mạnh lợi nhuận và chi tiêu, các nước xuất khẩu dầu bị tổn thất do thu ngân sách giảm và đồng bản tệ mất giá. Các nhà phân tích nhận định, sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản do bi kịch giá dầu năm 2016, khi nhiều doanh nghiệp vật lộn với khó khăn để tồn tại và rất khó tăng vốn hay giảm chi phí.

 

Khó khăn tài chính tại hầu hết các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu đã dẫn đến tình trạng chạy đua tăng sản lượng dầu khai thác, tạo ra khả năng dư thừa không có tiền lệ và ảnh hưởng đến giá dầu trong năm 2016. Theo ước tính của các nhà phân tích chuyên môn, sản lượng dầu toàn cầu đang vượt nhu cầu tới 2 triệu thùng/ngày. Nghĩa là, kế hoạch của Mỹ cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong năm 2016 cũng không thể tái cân bằng thị trường. 

 

Ngay từ những ngày đầu năm 2016, giá dầu thế giới liên tục thiết lập đáy mới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/1/2016, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 2/2016 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,91 USD xuống 26,55 USD/thùng, thấp nhất kể từ 7/5/2003; giá dầu giao tháng 3/2016 giảm 1,22 USD xuống 28,35 USD/thùng.

 

Trên toàn cầu, các chỉ số chứng khoán giảm mạnh khi giới đầu tư tỏ ra lo lắng về sức khỏe kinh tế Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ chốt và kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại sẽ khiến thế giới ngập trong dầu thô và các loại nguyên vật liệu thô khác trong nhiều tháng.

 

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ chậm lại, xuống 3,1% trong năm nay so với 5,6% của năm 2015. Tại Trung Đông, việc Chính phủ Saudi Arabia và UAE đã giảm trợ cấp nhiên liệu cũng khiến tăng trưởng nhu cầu dầu thô của khu vực này chậm lại.

 

IEA cũng đưa ra nhận định cho rằng, thế giới có thể sớm ngập trong dầu thừa. Cụ thể là, sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC năm 2016 sẽ giảm do cắt giảm chi tiêu, nhưng lượng dầu giảm này sẽ được bù đắp khi Iran tăng sản lượng sau khi các lệnh trừng phạt nước này được dỡ bỏ. Tiêu thụ dầu thô toàn cầu năm 2015 tăng khi người tiêu dùng tận dụng lợi thế giá dầu rẻ và Trung Quốc tăng dự trữ dầu chiến lược, nhưng  xu hướng này sẽ không kéo dài.

 

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, những tác động tích cực của việc giá dầu ở mức thấp đối với chi tiêu dùng có thể bị lu mờ bởi các yếu tố mà nhiều nhà phân tích đánh giá thấp khi giá dầu bắt đầu giảm. Đó là, giá dầu giảm thêm sẽ dẫn đến hậu quả là làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, cắt giảm đầu tư và chi tiêu và sự sụt giảm nguồn thu của nhiều chính phủ.

 

Do triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, các tổ chức tài chính quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có đề cập đến giá dầu. Theo báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 6/1/2016, giá dầu thế giới năm 2016 sẽ giảm 8,5%, sau khi giảm 46,5% vào năm 2015. Tương tự, báo cáo cập nhật do Quỹ Tiền tệ quốc tế công bố vào ngày 19/1/2016 dự báo, giá dầu thế giới năm 2016 sẽ giảm tới 17,6% sau khi giảm 47,1% vào năm 2015.

 

Theo nhận định do Tập đoàn Citibank đưa ra vào ngày 19/1, giá dầu Brent và WTI bình quân chỉ đạt 34 USD/thùng trong quý I/2016, sau đó giảm xuống 31 USD/thùng trong quý II/2016.

 

Chuyên gia Minerd của Guggenheim Partners còn đưa ra dự đoán ảm đạm hơn khi cho rằng, giá dầu năm 2016 chỉ còn 20 USD/thùng do nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường và tìm tới những tài sản an toàn hơn.

 

Theo: Chinhphu.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang