Tuần trước, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 95 USD/ thùng, mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2014, và tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021. Ngày 18-2, giá dầu Brent giảm nhẹ và giao dịch ở mức 92,43 USD/thùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia phân tích thị trường nhận định, giá dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh và có thể lên mức 150 USD/thùng vào mùa hè này.
Bên cạnh nguy cơ từ tình hình Ukraine, sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu cũng là nguyên nhân chính dẫn tới giá dầu “phi mã”. Nhu cầu dầu bắt đầu tăng mạnh khi các nước thực hiện chiến dịch mở cửa trở lại, khôi phục các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch, hàng không… sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch Covid-19.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dù cam kết tăng nguồn cung ở mức 400.000 thùng/ngày, nhưng mức tăng chỉ đạt 150.000 thùng/ngày vào tháng 1 vừa qua. Ngoài ra, Mỹ và một số quốc gia khác không còn mặn mà đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu sau cú sốc Covid-19 và nhiều chính phủ thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến hết tháng 1-2022, dự trữ dầu thô của 38 quốc gia thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉ còn khoảng 2,7 tỷ thùng, thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Giá dầu tăng đã ngay lập tức tác động đến hầu hết thị trường năng lượng thế giới, nhất là với các chủ phương tiện cơ giới tại châu Âu. Tại Anh, giá 1 lít xăng tăng thêm 0,05 bảng Anh, lên mức kỷ lục 1,47 bảng (khoảng 44.000 đồng). Tại nhiều cây xăng ở Bồ Đào Nha, giá xăng hiện ở mức 1,9-2,0 euro (khoảng 54.000 đồng) và có thể tiếp tục tăng trong nửa sau tháng 2 này.
Đối với những nước sản xuất, xuất khẩu dầu thô, việc giá dầu tăng sẽ là một tin mừng. Điển hình là trường hợp của Nga. Ngân sách Nga sẽ có thêm hơn 65 tỷ USD trong năm nay nếu giá dầu đứng trên mốc 90 USD/thùng. Tuy nhiên, thiệt hại mà kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng và các nước phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu phải gánh chịu lớn hơn lợi ích mà một số nước thu được từ giá dầu tăng cao. Giá hàng hóa tăng vọt - trong đó có cước vận tải, giá khí đốt - tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ước tính, lạm phát tại Mỹ và châu Âu tăng thêm 0,5% tính đến thời điểm giữa năm 2022; còn lạm phát toàn cầu sẽ lên 3,9% tại các nước phát triển. Với các nước mới nổi và đang phát triển, tỷ lệ này là 2,3% và 5,9%. Lạm phát nổi lên là nguy cơ lớn nhất với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới bởi người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, kéo theo xu thế giảm tiêu dùng, khiến đà tăng trưởng của các nền kinh tế có thể chậm lại.
Ông Peter Hooper, quan chức kỳ cựu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng, cú sốc giá dầu đang thổi phồng lo ngại về tình trạng lạm phát và khả năng tăng trưởng toàn cầu chững lại rất cao. Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu giá nhiên liệu vẫn duy trì ở ngưỡng 90 USD/thùng, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 0,5% trong năm 2022.
Hiện tại, ngoài việc hối thúc nhóm OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu, các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn chưa tìm được giải pháp toàn diện cho bài toán năng lượng toàn cầu. Theo các nhà phân tích, đây là vấn đề mang tính lâu dài và đòi hỏi nỗ lực chung của các nước và tổ chức đa phương.
Theo Hà Nội mới