Thứ Sáu, 22/11/2024 00:20:14 GMT+7
Lượt xem: 4197

Tin đăng lúc 17-03-2016

Giá điều thô tăng mạnh, xuất khẩu gạo vượt kế hoạch

Nhiều nông dân trồng điều tại Bình Phước cho biết giá điều tươi hiện lên tới 33.000-34.000 đồng/kg.
Giá điều thô tăng mạnh, xuất khẩu gạo vượt kế hoạch

Với mức giá này, điều thô về đến kho nhà máy có giá thành lên đến 40.500-41.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 5 năm qua, xấp xỉ mức “đỉnh” vào tháng 3/2011 (42.000 đồng/kg).

 

Theo các doanh nghiệp chế biến nhân điều, giá điều tăng mạnh do nguồn cung trong nước khan hiếm so với nhu cầu sản xuất của các nhà máy.

 

Ông Đỗ Tấn, Giám đốc doanh nghiệp Tấn Tài (Phước Long, Bình Phước), cho báo Tuổi trẻ biết, với giá này, các doanh nghiệp không có lời khi xuất khẩu, chỉ một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ trước phải mua điều chế biến để giao hàng đúng thời hạn.

 

Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm cao hơn so cùng kỳ năm trước 102%

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 2 đã đạt gần 440.000 tấn, trị giá FOB là 178 triệu USD, trị giá CIF là 190 triệu USD; giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 405 USD/tấn.

 

Tính chung trong 2 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu trên 856.000 tấn gạo, trị giá FOB gần 348 triệu USD, trị giá CIF 372 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt hơn 406 USD/tấn.

 

Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu gạo tháng 2 vượt kế hoạch đề ra là 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm trước 117%. Lũy kế xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm nay cũng cao hơn so cùng kỳ năm trước gần 102%.

 

Xuất khẩu tăng đột biến là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc.

 

Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu gạo trong 2 tháng tăng mạnh, nhưng hợp đồng còn lại chưa thực hiện vẫn còn nhiều, gần 1,4 triệu tấn. Điều này sẽ giúp giữ được tiến độ xuất khẩu trong vài tháng tới, chưa tính các hợp đồng ký mới.

 

Hiện tại, giá lúa gạo trong nước được nhận định có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới, do nhu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký và nhu cầu từ Trung Quốc mạnh trở lại, kết hợp với áp lực giảm sản lượng bởi tác động của khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển.

 

88% đầu tư của Thái Lan vào công nghiệp chế biến Việt Nam

 

Tính 2 tháng đầu năm, đã có 428 dự án từ Thái Lan đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 7,88 tỉ USD, xếp thứ 11/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam - báo Thanh niên thông tin.

 

Các nhà đầu tư Thái Lan tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 200 dự án và gần 7 tỉ USD vốn đầu tư (chiếm 47% tổng số dự án và 88% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam).

 

Kế đó là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 31 dự án, đạt 235,4 triệu USD vốn đầu tư. Số liệu cũng cho thấy, hình thức đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam chủ yếu là 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh chiếm 70% của Thái, 30% vốn Việt.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang