Thứ Hai, 25/11/2024 23:51:09 GMT+7
Lượt xem: 1188

Tin đăng lúc 30-06-2018

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu vượt Thái Lan, Ấn Độ

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 tổ chức ngày 28-6, Bộ NN-PTNT cho biết, xuất khẩu nông sản đang tăng mạnh, giá lúa gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, Ấn Độ và đứng ở mức cao trong vòng 4 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản trong nửa năm 2018 đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% và có thể cán mốc lịch sử 40 tỷ USD trong năm nay.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu vượt Thái Lan, Ấn Độ
Đóng gói gạo xuất khẩu

Giá gạo xuất khẩu cao nhất 4 năm
 

Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 6-2018, giá gạo xuất khẩu của các “cường quốc lúa gạo” đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam lại đạt 450 USD/tấn, cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Trong đó, giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ chỉ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan chỉ đạt 435 USD/tấn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công thương, vào trung tuần tháng 5-2018, giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đã đạt tới 458-462 USD/tấn, được xác định là giá bán cao nhất trong vòng 4 năm qua. Lý giải về nguyên nhân giá lúa gạo của các cường quốc lúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ sụt giảm, Bộ NN-PTNT cho rằng, do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường truyền thống của các nước này đều sụt giảm. Trên thị trường thế giới, giá gạo tại Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay do nhu cầu ảm đạm và triển vọng nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo Ấn Độ giảm do sức mua kém từ châu Phi và Bangladesh. 
 

Theo các chuyên gia, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm trên 80%. Dự báo đến hết tháng 6-2018, giá lúa gạo trong nước tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng xuất khẩu gạo sang Philippines phục hồi trở lại. Với giá bán cao đứng ở đầu bảng, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6-2018 ước đạt 604.000 tấn, đưa khối lượng xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,57 triệu tấn, với giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
 

Số liệu cập nhật trong các tháng đầu năm 2018 cũng cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần. Đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần. Mặc dù thị phần xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm 21,3% so với năm ngoái nhưng các thị trường khác lại có mức xuất khẩu tăng, điển hình là Indonesia 596.000 tấn, Iraq 150.000 tấn, Malaysia 273.000 tấn (gấp 2,51 lần) và Hoa Kỳ 26.200 tấn (gấp 2,36 lần) so với cùng kỳ năm 2017. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, cả năm nay, mục tiêu hướng tới là xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng tốt.

 

Lo mất thị trường vì chủ nghĩa bảo hộ đang trở lại


Theo đánh giá của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 của các mặt hàng nông sản chủ lực khá tốt. Một số mặt hàng như rau quả, thủy sản vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực của năm 2017. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang có những dấu hiệu phát triển khởi sắc như gỗ, chè hướng đến chất lượng cao hơn và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới. Hiện nay, giá trị USD đang có xu hướng tăng lên, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lo lắng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đang trở lại và gây ra bất ổn thị trường. Thêm vào đó, giá trị xuất khẩu cao trong những tháng cuối năm 2017 cũng đặt ra những thách thức cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm 2018. Bộ NN-PTNT cũng lo ngại, đối với một số ngành hàng có những điểm cần lưu ý trong tháng tới, lúa gạo khó giữ giá ở mức cao như giai đoạn đầu năm do tình hình sản xuất lúa gạo thế giới tăng trưởng khá, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước có xu hướng giảm. 
 

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp, hiệp hội để bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng lo lắng cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng, như việc Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại; Indonesia, Ấn Độ sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước... Để sống chung với bảo hộ thương mại, giải pháp tốt để tìm lối ra trong thời gian tới là phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu.
 

Còn theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do bảo hộ, Bộ Công thương cần chủ động nắm bắt thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp để phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; thường xuyên theo dõi, cung cấp thông tin về thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc... Cần sự phối hợp của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương trong việc trao đổi với phía Hoa Kỳ để giải quyết những tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ bị áp các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại.

 

 

Bộ NN-PTNT cho biết, ngoài lúa gạo thì các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là rau quả (ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20%), điều (ước đạt 175.900 tấn và kim ngạch đạt 1,71 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 16,4% về giá trị), thủy sản (ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5%). Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su); Trung Quốc (đối với rau quả, cao su, thủy sản); Đức (đối với chè, thủy sản, hạt điều); Malaysia (đối với gạo, chè); Mỹ (đối với hạt điều, rau quả, gạo), Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu)...

 

Theo SGGP

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang