Thứ Năm, 21/11/2024 20:05:41 GMT+7
Lượt xem: 903

Tin đăng lúc 04-11-2024

Gia Lai thúc đẩy công nghiệp nông thôn bằng nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công lớn

Trong thời gian qua, việc triển khai các đề án khuyến công của Gia Lai được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực cho ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào kinh tế tỉnh nhà.
Gia Lai thúc đẩy công nghiệp nông thôn bằng nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công lớn
Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản sẽ hỗ trợ hộ kinh doanh nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm

Năm 2024, tổng kinh phí cho chương trình khuyến công Gia Lai lên đến 3,780 tỷ đồng, trong đó 2,178 tỷ đồng được phân bổ từ ngân sách địa phương và 1,8 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng từ các đơn vị thụ hưởng. Kinh phí này hỗ trợ thực hiện 14 đề án, tập trung vào 4 nội dung chính trong chương trình khuyến công, với mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT).

 

Theo đó, có 11 đề án tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các huyện; 1 đề án (triển khai tại 4 huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Păh) hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh; 1 đề án hỗ trợ cho 2 cơ sở CNNT đầu tư phòng trưng bày giới thiệu các sản phẩm CNNT gắn với du lịch; 1 đề án tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực tiếp thực hiện.

 

Đến nay, nội dung “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp” đang được triển khai cho 8 trên 11 đề án. Trong số này, 5 đề án đã hoàn tất ký kết hợp đồng và bước vào giai đoạn thực hiện. Việc đưa công nghệ và thiết bị hiện đại vào sản xuất giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã tổ chức thành công chương trình “Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh”, với sự tham gia của 50 sản phẩm từ 32 cơ sở CNNT. Kết quả, có 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh và 15 sản phẩm được lựa chọn để tham gia bình chọn cấp khu vực, do Cục Công Thương địa phương tổ chức. Sự kiện này không chỉ giúp tôn vinh các sản phẩm chất lượng, mang đậm dấu ấn địa phương, mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.  

 

Ngoài ra, tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch và tổng hợp danh mục đề án khuyến công cho năm 2025, nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng những thành quả đạt được. Với sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công, Gia Lai hướng đến mục tiêu phát triển CNNT bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho toàn tỉnh.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Thu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (TTKC) Gia Lai nhấn mạnh: “Việc tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực là cơ hội quý báu để quảng bá rộng rãi sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai đến với thị trường trong và ngoài nước. Sự kiện này giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm địa phương, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Gia Lai kết nối và mở rộng thị trường trên phạm vi toàn quốc. Những doanh nghiệp được hỗ trợ vốn đầu tư vào máy móc và thiết bị tiên tiến đã cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm, tạo động lực để tiếp tục phát triển và khẳng định thương hiệu”.

 

Có thể nói, việc đầu tư ứng dụng máy móc và thiết bị công nghệ cao đã tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT ở Gia Lai mạnh dạn đổi mới quy trình sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Các hội nghị, hội thảo và triển lãm do tỉnh tổ chức đã tạo ra các kênh kết nối hiệu quả cho doanh nghiệp, không chỉ giúp họ quảng bá sản phẩm mà còn thúc đẩy tiêu thụ, từ đó giảm chi phí sản xuất và tăng doanh thu.

 

TTKC Gia Lai đã tích cực hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất và sản phẩm mới, đồng thời tham mưu cho Sở Công Thương tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024. Qua đó, 35 sản phẩm của 28 đơn vị đã được công nhận cấp tỉnh, và 15 sản phẩm từ 13 đơn vị tham gia bình chọn cấp khu vực. Đây là bước tiến quan trọng, giúp nâng cao giá trị và danh tiếng của sản phẩm CNNT, đồng thời mở ra cơ hội để các cơ sở CNNT tiếp cận thị trường lớn hơn.

 

Dù đạt được nhiều thành tựu, hoạt động khuyến công tại Gia Lai vẫn còn tồn tại một số khó khăn cần giải quyết. Trước hết, việc bố trí kinh phí khuyến công quốc gia chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị của các cơ sở CNNT đã đăng ký. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách khuyến công tại các huyện chưa đủ sâu rộng, khiến cho nhiều đơn vị thụ hưởng vẫn chưa tiếp cận đầy đủ về thông tin và hỗ trợ tài chính. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu từ các huyện, thị xã và thành phố còn chưa phong phú, làm giảm hiệu quả và tầm ảnh hưởng của chương trình.

 

Trước những thách thức này, TTKC Gia Lai đã đề ra một loạt giải pháp nhằm khắc phục khó khăn và tối ưu hóa hoạt động khuyến công. Đầu tiên, Trung tâm sẽ theo dõi và bám sát nhiệm vụ đã được phê duyệt, thực hiện các hoạt động khuyến công theo đúng quy định tại văn bản hướng dẫn từ Trung ương và địa phương. Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, Trung tâm cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ quản để cân đối kinh phí khuyến công hằng năm, đảm bảo nguồn lực triển khai chương trình hiệu quả nhất. 

 

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các cơ sở sản xuất có sản phẩm CNNT tiêu biểu và sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bằng cách tập trung vào những sản phẩm mang tính đại diện, chương trình khuyến công không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm CNNT trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Phải thừa nhận rằng, chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy các cơ sở sản xuất tại địa phương cải thiện năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành CNNT tại Gia Lai.

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang