Gia Lai là địa phương có nhiều thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong tỉnh thời gian qua đã được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu này, nhiều DN, HTX đã xây dựng được thương hiệu, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Năm 2022, được thụ hưởng từ nguồn khuyến công địa phương, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa) đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm, với công suất 5 - 7 tấn/năm. Ông Nguyễn Trình, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình cho biết: “HTX có 30 ha trồng khoai lang Lệ Cần. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chúng tôi đã cho ra nhiều loại sản phẩm về khoai lang như: miến khoai lang, tinh bột khoai lang… Tuy nhiên, trước đây các sản phẩm chủ yếu làm bằng thủ công và máy móc công nghệ cũ, không đảm bảo chất lượng theo mong muốn”. Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (TTKC) - Sở Công Thương, đơn vị đã mua sắm hệ thống máy sấy lạnh đưa vào sản xuất, chế biến có tổng kinh phí 400 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu, nguồn vốn đối ứng của HTX là 200 triệu đồng. Nhờ vậy, tất cả các sản phẩm HTX làm ra đều đạt chất lượng, mẫu mã tốt, sản lượng sản xuất tăng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của HTX và thị hiếu của khách hàng cũng như đòi hỏi ngày một khắt khe hơn của thị trường.
Một ví dụ khác về hoạt động hỗ trợ của TTKC Gia Lai đối với các DN là trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Thương mại - dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku). Năm 2022, thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Công ty đã triển khai Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong chế biến nông sản sấy khô” với công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm. Ông Phạm Việt Hùng, đại diện Công ty, cho biết: “Đề án có tổng kinh phí đầu tư hơn 11 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 800 triệu đồng, nguồn vốn đối ứng của DN hơn 10,2 tỷ đồng”. Theo ông Hùng, DN được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất đã góp phần hạ giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại, tăng doanh thu thêm 10% mỗi năm. Mô hình đi vào hoạt động sẽ cung cấp ra thị trường nhiều loại sản phẩm, trong đó chủ lực là hạt dưa rang, hạt hướng dương.
Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên được hỗ trợ 800 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia
Hiện nay, chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai đang tập trung hỗ trợ các cơ sở, DN, HTX theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Năm 2022, Gia Lai đã thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia cho 4 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hơn 13,4 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,6 tỷ đồng; triển khai 12 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.
Ông Ngô Quốc Thịnh – Phó Giám đốc TTKC Gia Lai cho biết: “Từ việc được hỗ trợ kinh phí khuyến công, thời gian qua, nhiều DN, cơ sở CNNT đã mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng được thương hiệu. Một số DN, cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, nhiều sản phẩm có triển vọng xuất khẩu”.
Điển hình là Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên (Gia Lai) đang phát triển vùng nguyên liệu lên đến trên 3.000 ha tại 5 huyện ở Gia Lai và 2 huyện ở Kon Tum. Mỗi tháng, Công ty còn xuất khẩu khoảng 20 tấn cà phê chất lượng cao. Ông Nguyễn Hải Phong – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên, cho hay, là doanh nghiệp sản xuất, giá trị cốt lõi của chúng tôi là công nghệ sản xuất (máy móc, thiết bị). Khi được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, các DN và HTX sẽ có điều kiện đầu tư, mua sắm thiết bị máy móc hiện đại hơn. Khi ấy, các sản phẩm được tạo ra sẽ tốt hơn.
Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên đã được phía Sở Công Thương Gia Lai hỗ trợ nguồn vốn mua sắm hệ thống thiết bị máy rang cà phê có công suất 120 kg/mẻ, 240-360 kg/giờ, với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ gần 200 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của Công ty. Theo đại diện Công ty, nhờ sự hỗ trợ đó, Công ty có thể giảm được chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm, đồng thời, tiết kiệm nhân công, rút ngắn thời gian sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại.
Có thể nói, nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở CNNT định hướng đầu tư đúng đắn, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Trong năm 2023, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cho các DN, HTX đầu tư phát triển cơ sở cùng hệ thống máy móc, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia khoảng 2 tỷ đồng.
Chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp, tiểu công nghiệp như: Chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng, giá trị cao, sử dụng nguồn nguyên liệu, lao động của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, chế biến nông sản để góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm.
Lê Phương