Chủ Nhật, 24/11/2024 01:41:19 GMT+7
Lượt xem: 1497

Tin đăng lúc 15-06-2020

Giá trị của cây xanh đô thị

Trong những ngày hè, cây xanh đặc biệt có tầm quan trọng đối với đô thị. Và thực tế cho thấy, chúng ta phải khắt khe hơn trong việc quy hoạch và quản lý cây xanh ở đô thị và nơi công cộng.
Giá trị của cây xanh đô thị

Nỗi lo cũ

 

Cây xanh góp phần làm nên vẻ đẹp và giá trị đô thị. Không chỉ là màu xanh, mà từ những hàng cây được trồng có quy hoạch còn tạo nên giá trị văn hóa, những nét độc đáo và được xem là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng sống đô thị. Song, trước sức ép đô thị hóa, quy mô dân số tăng mạnh thì diện tích cây xanh lại bị thu hẹp, không được quan tâm phát triển.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta vào năm 1998 mới đạt khoảng 24%, đến năm 2009 là 29,6% và năm 2012 tăng lên 31,9%. Năm 1990 cả nước mới có khoảng 500 đô thị, năm 2012 đã tăng lên 765 đô thị. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng môi trường sống có chiều hướng giảm sút. Hạ tầng kỹ thuật đô thị quá tải, thiếu đồng bộ, trong đó vấn đề quy hoạch cây xanh chưa bao giờ được quan tâm đúng mức.

 

Trong nhiều cuộc hội thảo về vấn đề môi trường, cây xanh, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra, tuy nước ta là nước nhiệt đới nhưng chỉ tiêu cây xanh đô thị lại rất nhỏ so với nhiều đô thị trên thế giới và cũng chỉ bằng khoảng 1/2 - 1/3 trị số quy định của Quy chuẩn QCXD 01:2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành. Hệ thống cây xanh mới chỉ được hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình. Còn tại các đô thị nhỏ, tỷ lệ đất dành cho công viên và cây xanh rất ít. Đà Nẵng là đô thị loại I nhưng chỉ đạt 0,5m2/người. Ngay như ở hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ cây xanh cũng chỉ đạt khoảng xấp xỉ 2m2/người, mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20m2 - 25m2 cây xanh/người). Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là một biểu hiện của sự phát triển thiên lệch.

 

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản thì để cân bằng tiêu thụ khí CO2 và cung cấp khí O2 cho người dân đô thị, cần có 10m2 cây xanh/người. Soi chiếu vào tình hình đô thị Việt Nam, điều đó khiến những người có trách nhiệm không khỏi giật mình. Phải khẳng định, nỗi lo thiếu cây xanh trong đô thị đã được nhắc đến từ lâu, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra một phương cách xử lý thỏa đáng. Mà đáng ngại là, tình hình dường như có phần đang trở nên nghiêm trọng hơn. Cứ nhìn vào các khu đô thị (KĐT) mới sẽ thấy, chủ đầu tư thường khoe mô hình thiết kế với những mảng cây xanh ngăn ngắt, ấy thế mà khi hoàn thành xây dựng, chỉ có vài cái cây sơ sài. Thậm chí, ở thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhiều nhà đầu tư cố tình bỏ quên tạo mảng xanh, trồng nhiều cây cho KĐT, mà chỉ chăm chăm chồng lên cho thật cao tầng những tòa nhà nặng trịch.

 

Gắn hồn cây với hồn phố

 

Người ta thường ví cây xanh đối với môi trường đô thị tương tự như lá phổi hô hấp của con người. Cây hấp thụ bụi, tiếng ồn, hấp thụ chất ô nhiễm độc hại, điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng “nhà kính”. Hơn thế, ở các đô thị lớn, cùng với hệ thống ao hồ, thì cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và môi trường khí hậu đô thị, tôn giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, phục vụ cho nhu cầu thư giãn của người dân đô thị.

 

Có thể nói, cây xanh đã góp phần khẳng định giá trị của đô thị, đô thị càng có nhiều cây thì giá trị văn hóa và du lịch càng được nâng cao. Ở Hà Nội đã có những con đường đẹp, với những loại cây lâu đời của riêng mình. Những cây cổ thụ mà gốc gội xù xì, mang nhiều trầm tích thời gian được trồng từ cách đây 50 đến trên 100 năm trên phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Nguyễn Du, Lò Đúc… đã trở thành những bóng dáng phố đáng nhớ.

 

Ở TP. Hồ Chí Minh có những con đường cây mà nhắc qua thì ai cũng nhớ như Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Hoàn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Cây xanh, thật sự đã trở thành tài sản quý báu, là sự gắng gỏi giữ gìn từ nhiều năm, kết hợp nhịp nhàng với kiến trúc truyền thống, đã làm cho những con phố không đơn điệu, cũng là những chứng nhân lịch sử, văn hóa.

 

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam một cách hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững. Điều đó như là một yếu tố quan trọng giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, thân thiện với môi trường. Song, để có thể làm được điều đó, mỗi người chúng ta đều phải có trách nhiệm hơn, phải ráo riết hơn, với những việc làm thiết thực. Từ mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, những người có trách nhiệm góp phần làm xanh thành phố bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ đúng đến hình thành các hành động cụ thể. Ví như cần ban hành các chế tài bảo vệ cây xanh công cộng, đẩy mạnh sự giám sát của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh. Cùng với đó, cần đào tạo nhân lực có kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực cây xanh đô thị. Thêm nữa, vấn đề tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh phải được tiến hành thường xuyên và sâu rộng, qua đó phải nhân lên thành tinh thần tự giác.

 

Đã đến lúc, mỗi người chúng ta dù có thể quan niệm đô thị hiện đại theo cách khác nhau, nhưng đều cần phải làm cho hòa quyện hồn cây với hồn phố. Qua đó góp phần bồi đắp tính cách và văn hóa con người, bồi lắng một lối sống văn minh gắn bó hài hòa với những mảng xanh, những hàng cây mang theo linh hồn của đô thị xanh.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang